Sự hy sinh thầm lặng
(BDO) Trước đây, quê mẹ ở xã Vĩnh Tân (Tân Uyên). Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Vĩnh Tân thuộc chiến khu Vĩnh Lợi. Vĩnh Lợi từng được mệnh danh là “tỉnh lỵ kháng chiến” và người dân nơi đây bao đời đi theo cách mạng. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất anh hùng, tinh thần yêu nước đã thấm vào máu thịt 3 người con trai của mẹ và cả 3 người đều đi theo cách mạng, cầm súng đánh đuổi quân thù. Người con đầu là Nguyễn Văn Ga, từng là du kích xã Vĩnh Tân. Ông là một trong những du kích gan dạ, đã cùng bộ đội ta lập nhiều chiến công hiển hách. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng.
Năm tháng qua đi, tuổi ngày càng cao, sức khỏe, trí tuệ đã xuống, lúc nhớ lúc quên, nhưng trong ký ức của mẹ Ngời vẫn còn đó hình ảnh của 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Hồng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1943 tham gia cách mạng khi chưa bước qua tuổi 20. Mẹ nói, thời đó giặc tàn phá quê hương, xóm làng, bắn giết người dân vô tội, là người yêu nước không ai có thể làm ngơ đứng nhìn. Con mẹ đi theo cách mạng cũng vì lẽ đó. Cũng như anh cả, người con kế làm du kích xã ở chiến khu Vĩnh Lợi, sau đó tham gia bộ đội C62 của huyện Châu Thành. Trong suốt thời gian này, Nguyễn Văn Thành chiến đấu anh dũng, kiên cường, nhưng rất tiếc mẹ không còn nhớ nhiều về những chiến công của ông. Nhìn vào tấm bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi mới hay ông hy sinh vào ngày 1-5-1970 với hàm thiếu úy. Khi ấy, ông đi lãnh cối ở huyện, trên đường về lọt vào ổ phục kích của giặc và đã anh dũng hy sinh. Khi được người dân phát hiện đem về, mẹ lặng người đau đớn trước sự ra đi của con.
Giờ đây, mẹ Bồ Thị Ngời (phải) sống với người con dâu và cháu nội là vợ và con của liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng
Lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, 2 người anh đã đi theo cách mạng, mới 14, 15 tuổi người em Nguyễn Văn Hồng cũng gia nhập đoàn quân giải phóng. Ban đầu ông làm nhiệm vụ đưa rước cán bộ qua đường 14. Bà Nguyễn Thị Mai, người bạn đời, cũng là người đồng chí của ông Hồng nói, cũng giống như các anh, ông tham gia chiến đấu ở Vĩnh Tân. Đến năm 1973 làm Phó Công an huyện Châu Thành. Hai người gặp nhau và nên duyên vợ chồng trong rừng Vĩnh Lợi. Nếu như người anh Nguyễn Văn Thành làm nhiệm vụ chiến đấu trực diện với địch, thì ông Nguyễn Văn Hồng làm nhiệm vụ bảo vệ. Ông cùng đồng đội đi rà mìn để bảo đảm sự an toàn trước khi bộ đội hành quân qua đây. Năm 1974, trong một lần trên đường công tác về, ông bị vướng trái giặc và đã vĩnh viễn nằm xuống ngay trên mảnh đất quê hương.
Trở lại với chuyện 2 người chiến sĩ cách mạng nên vợ chồng ở chiến khu, bà Mai nhớ lại, cả 3 người con đều sinh ra trong rừng, sau đó bà gửi 2 người con lớn về cho bà nội của các cháu là mẹ Bồ Thị Ngời nuôi. Biết cả 3 người con của mẹ đi làm cách mạng, nay thấy có trẻ con trong nhà, giặc nghi là con “Việt cộng” nên nhiều lần đến làm khó dễ mẹ. Mẹ nói, sống một mình buồn nên xin trẻ về nuôi. Bọn chúng không tin và điên tiết đòi đem mấy đứa nhỏ thả giếng. Mẹ kiên quyết đấu tranh, cuối cùng giặc phải chịu thua mẹ.
Cả cuộc đời mẹ Bồ Thị Ngời luôn hướng về cách mạng. Cao quý thay người mẹ đã sinh ra và hướng các con đi theo con đường chính nghĩa. Về phần mình, mẹ quyết làm hậu phương vững chắc để các con yên tâm đánh giặc. Không những vậy, ở quê nhà mẹ còn giúp đỡ cách mạng. Những khi bộ đội ghé qua nhà, có con khô, lít gạo, củ khoai mẹ đều đem cho. Có lần mẹ còn giấu súng trong gánh và đưa bộ đội vô rừng. “Mẹ biết rằng, có một ngày mẹ sẽ “đi về”, mẹ muốn đoàn tụ với các con ở nghĩa trang Tân Uyên”, mẹ tâm sự.
A.SÁNG