Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 104.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam

Thứ năm, ngày 21/11/2024

(BDO) Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.


Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị.

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản. Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm.

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 21/11 tại Hà Nội.

Theo bà Hải, sử dụng thuốc lá tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.

Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên.

Trong quý I/2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, trong đó, có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hải nhấn mạnh, trong các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội, dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội… Do đó, việc các cơ quan báo chí, các đơn vị làm công tác thông tin, tuyên truyền cùng chung tay đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới.

Bà Hải cho hay, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng). Năm 2008: tăng mức thuế từ 55% lên 65%. Năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%. Năm 2019 (sau 3 năm) tăng từ 70% lên 75%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các lần tăng thuế trên là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại. Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Về mức thuế, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Theo Bộ Y tế và WHO, phương án khuyến nghị này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030. Qua đó, sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Với phương án này, cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, với mức giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020./.

Theo TTXVN