Sử dụng giấy phép lái xe giả: Những hệ lụy khó lường
(BDO) Thời gian qua, nhiều trường hợp tài xế sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả bị phát hiện gây lo lắng cho dư luận. Thậm chí có trường hợp chưa biết chữ vẫn sở hữu GPLX xe ôtô. Tại Bình Dương, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) qua kiểm tra người vi phạm giao thông đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả nhằm đối phó.
Mua GPLX giả giá… 300.000 đồng
Chập choạng tối, khi Nguyễn Minh Thắng (SN 1992, quê Tiền Giang) điều khiển xe máy BS 63B7-213.54 trên tuyến quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TX.Dĩ An, do vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ, sau đó lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi: Chở theo 2 người lớn, cả 3 người đều không đội nón bảo hiểm. Khi lực lượng kiểm tra GPLX của đương sự thì phát hiện GPLX Thắng đang sử không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
GPLX giả bị cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu
Tại cơ quan chức năng, Thắng khai nhận vào thời điểm năm 2013 có đăng ký thi bằng lái xe 2 bánh nhưng không đậu. Sau đó, Thắng gặp một người đàn ông lạ mặt trong quán, người này gợi ý Thắng mua bằng lái giả với giá gần 1 triệu đồng. Từ đó, Thắng sử dụng GPLX giả lận lưng và vô tư chạy xe qua nhiều tỉnh, thành cho đến khi bị phát hiện và tịch thu tại Bình Dương. Theo Thắng, anh ta nghĩ rằng GPLX chỉ dùng để đối phó với cơ quan chức năng chứ không quan trọng, chủ yếu là “kỹ năng” chạy xe.
Có lẽ cũng vì nghĩ đơn giản như Thắng nên hiện nay nhiều người vì một lý do nào đó mà không có GPLX đã tìm mọi cách “sở hữu” một GPLX để đối phó. Cần một GPLX nhưng không muốn đi thi, Trần Nhật Trường (SN 1989, quê Cần Thơ) chỉ mất 300.000 đồng để sở hữu được một GPLX giả hạng A1. Theo Trường, trong lúc đi làm phụ hồ ở An Giang, một người bạn làm cùng giới thiệu có làm bằng lái xe hạng A1 thật mà không phải đi thi. Chi phí để có được GPLX “không phải đi thi” này chỉ mất 300.000 đồng. Nghe vậy, Trường nhờ bạn mua cho mình một GPLX. Một ngày cuối tuần, khi Trường đang điều khiển xe máy BS 83P2-323.85 lưu thông tại đường 8, KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi: Điều khiển xe không đúng làn đường quy định. GPLX của Trường bị lộ và bị tịch thu luôn.
Trung tá Đoàn Văn Huê, Phó Đội trưởng Đội Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, tuyên truyền và xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết hầu hết những trường hợp sử dụng GPLX giả số ít được phát hiện qua việc kiểm tra người vi phạm giao thông tại hiện trường, trong khi đó phần lớn GPLX giả bị phát hiện khi hồ sơ được đưa về trụ sở CSGT kiểm tra. Việc nhận biết GPLX giả qua các yếu tố như: Số sơ ri, con dấu, chữ ký, phôi, bằng… Nếu lực lượng chức năng nghi vấn sẽ tra cứu dữ liệu trên mạng, sau đó mời đương sự đến đấu tranh khai thác. Khi đương sự khai nhận, lực lượng CSGT sẽ lập biên bản tịch thu GPLX giả, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra xử lý.
Mua nhiều bằng lái giả “phòng thân”
Ngoài trường hợp của Thắng và Trường, thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp tài xế xe 2 bánh, xe du lịch, xe tải, xe khách sử dụng GPLX giả vô tư lưu thông trên đường đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Qua kiểm tra, bằng nghiệp vụ chuyên môn, lực lượng CSGT không khó để phát hiện những trường hợp sử dụng GPLX giả. Nhiều trường hợp giả GPLX ôtô và môtô được phát hiện là mạo danh nơi cấp là Sở Giao thông - Vận tải của nhiều tỉnh, thành tại khu vực miền Tây.
Theo thống kê ban đầu của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong năm 2015 có hơn 100 trường hợp tài xế sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (cả ôtô và môtô). Trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 40 trường hợp GPLX (ôtô và môtô) bị phát hiện là giả. Ghi nhận cho thấy phần lớn những GPLX giả đều là thẻ giấy ép plastic cũ, với GPLX mới dạng nhựa Pet thì số lượng phát hiện làm giả chưa nhiều. GPLX cũ có khi được lưu thông tin trên mạng, còn GPLX mới đều được cập nhật dữ liệu trên mạng nên cơ quan chức năng dễ phát hiện hơn. Tuy nhiên, với thẻ Pet, mức độ làm giả khá tinh vi nên khi quan sát bằng mắt thường rất khó nhận biết. Mặt khác, nhiều đối tượng còn mua thêm GPLX giả để “phòng thân”. Khi bị bắt và tịch thu GPLX giả này, đối tượng vẫn tiếp tục sử dụng GPLX giả khác để lưu thông qua nhiều tỉnh, thành.
Trung tá Thượng Văn Lành, Đội trưởng Đội CSGT, Phòng CSGT, Công an tỉnh, cho biết: Tài xế thường mua thêm GPLX giả để đối phó cơ quan chức năng. Hiện nay tài xế thường sử dụng thêm một vài GPLX giả với công nghệ rất tinh vi, khó nhận biết, các thông tin về số GPLX, loại GPLX… giống y như GPLX thật để xuất trình khi bị kiểm tra. Khi vi phạm đối với các lỗi giam GPLX, thì sau khi trình GPLX giả, họ tiếp tục còn GPLX để điều khiển xe. Đây là một thủ đoạn của cánh tài xế nhằm lách luật.
Nhiều người cho rằng đến nay việc chế tài, xử phạt và tịch thu GPLX giả chỉ là giải quyết “phần ngọn”. Người điều khiển phương tiện giao thông tự đặt mình vào thế may rủi: Nếu bị xử phạt, chẳng may bị phát hiện GPLX giả thì mất, còn nếu không thì vẫn vô tư sử dụng. Vì thế, vấn đề hiện nay là từ những đầu mối này phải truy ra nơi sản xuất để chặt “tận gốc” nơi cung cấp GPLX giả. Có như thế mới hạn chế được tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông “mù mờ” về luật, bất chấp tính mạng của mình và người khác khi ngồi sau tay lái…
Trung tá THƯỢNG VĂN LÀNH, Đội trưởng Đội CSGT, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Tài xế thường mua thêm GPLX giả để đối phó cơ quan chức năng
GPLX mẫu mới được làm bằng chất liệu nhựa PET, kích thước 85x53mm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Mẫu giấy phép lái xe này được áp dụng công nghệ in và bảo mật tiên tiến, có lớp hoa văn màu vàng, rõ ràng chi tiết… Hiện nay ngành GTVT chưa cấp đủ phương tiện kiểm tra nhận biết cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát nên qua công tác kiểm tra, cán bộ chỉ dựa trên cơ sở kiểm tra thực tế truy cập hệ thống quản lý GPLX của ngành GTVT, từ đó đối chiếu số GPLX, CMND, loại bằng, hạn sử dụng… phù hợp có trên hệ thống quản lý.
Hiện nay, tài xế thường sử dụng thêm một vài GPLX giả với công nghệ rất tinh vi, khó nhận biết. Các thông tin về số GPLX, loại GPLX… giống như GPLX thật để xuất trình khi có kiểm tra. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT, thời gian qua lực lượng CSGT Công an tỉnh phát hiện GPLX giả bằng mắt thường thông qua phát hiện kiểu giấy, mẫu, hoa văn, màu… Với những trường hợp này, CSGT chuyển thành tài liệu chứng cứ, chứng minh hành vi vi phạm và lập biên bản xử lý theo quy định. Đối với GPLX giả, đơn vị chuyển hồ sơ liên quan cho cơ quan CSĐT xử lý theo thẩm quyền.
Quy định tại Nghị định 171/CP (cũ), biện pháp xử lý: Hành vi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (GPLX giả) thì nếu người điều khiển xe mô tô dưới 175cm3: Xử phạt 800.000 đến 1.200.000 đồng.
- Nếu người điều khiển xe mô tô từ 175cm3 trở lên: Xử phạt 4 triệu đến 6 triệu đồng.
- Tịch thu GPLX.
- Tạm giữ xe 7 ngày.
Đối với người điều khiển ô tô xử phạt 4 triệu đến 6 triệu đồng - Tịch thu GPLX - tạm giữ xe 7 ngày.
Quy định Nghị định 46/CP (mới) khung xử phạt, hình thức xử phạt không thay đổi.
TÂM TRANG