Sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông: Cần thay đổi thói quen
(BDO) Theo kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện trên 200.000 người điều khiển phương tiện có sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại 9 khu vực thuộc TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cho thấy, có đến 50% tài xế xe tải, 39% tài xế xe con, 37% tài xế xe khách, xe buýt và 8% người lái xe máy sử dụng ĐTDĐ khi lái xe. Mặc dù mức độ sử dụng ĐTDĐ khi đang lái xe có khác nhau, nhưng vẫn có khoảng 6 - 8% người sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông (TNGT)...
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, gần đây ứng dụng đặt xe mô tô, xe máy (xe ôm công nghệ) đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng các lái xe vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng ĐTDĐ để liên hệ với khách hàng hoặc dò tìm đường đi. Hành vi này vừa vi phạm trật tự ATGT, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cho người và phương tiện cùng tham gia giao thông trên đường.
Trước tình hình này, ngày 30-8-2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có Công văn số 369/UBATGTQG đề nghị chấn chỉnh và xử lý tình trạng sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển xe mô tô, xe máy tham gia giao thông tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, để khắc phục và chấn chỉnh tình trạng nói trên, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đặc biệt lưu ý đối với các lái xe đang hoạt động trong lĩnh vực “xe ôm công nghệ”.
Bên cạnh đó, đề nghị Công ty TNHH Grab tăng cường tuyên truyền về trật tự ATGT cho đội ngũ lái xe có sử dụng ứng dụng công nghệ GrabBike trong toàn hệ thống. Đồng thời yêu cầu các lái xe tuyệt đối không được sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông. Trong trường hợp cố tình vi phạm, cơ quan chức năng đề xuất đơn vị quản lý cần xem xét chấm dứt hợp đồng đối với cá nhân đó.
Bình Dương hiện là một trong những địa phương có dịch vụ xe ôm công nghệ đang phát triển và phổ biến; bên cạnh đó mật độ người và các loại phương tiện lưu thông trên địa bàn ngày càng tăng, để hạn chế, thay đổi thói quen vừa lái xe, vừa sử dụng ĐTDĐ dễ gây ra va chạm và TNGT, Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh... và các huyện, thị, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm hành vi sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền cảnh báo nguy cơ gây mất trật tự ATGT và TNGT của hành vi sử dụng thiết bị di động khi tham gia giao thông… Qua đó, nhắc nhở mọi người cần chấp hành tốt các quy tắc khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và mọi người.
Khoản 3, Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người đang điều khiển xe mô tô, xe máy; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà có sử dụng ô (dù), ĐTDĐ, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).
Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt bổ sung trong các trường hợp như tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần (bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng); gây TNGT (bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng).
MỸ ANH