Sư đoàn Bộ binh 7 (Quân đoàn 4): Đẩy mạnh học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Thứ năm, ngày 31/10/2019

(BDO) Trong những năm qua, Sư đoàn Bộ binh 7 (Quân đoàn 4) đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua việc học tập và làm theo Bác đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng Sư đoàn 7 ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 7 hăng say luyện tập trên thao trường

 “Tiểu đội cùng tiến”

Thực hiện việc học và làm theo Bác, thời gian qua, Sư đoàn 7 đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình như “Chương trình tiếng nói quân nhân”; mô hình giúp “Thu gom phế liệu”, “Nuôi heo đất” giúp nhau lúc khó khăn của Hội Phụ nữ sư đoàn. Đặc biệt, một trong những mô hình học và làm theo Bác được Sư đoàn 7 thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua là mô hình “Tiểu đội cùng tiến”.

Mục đích của mô hình nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh tổng hợp, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập, huấn luyện, công tác; tạo dựng sự gắn kết, tinh thần lạc quan, yêu đời, củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu lý tưởng phấn đấu, quyết tâm thúc đẩy toàn đơn vị tiến lên chinh phục các chỉ tiêu thành tích, không để cá nhân nào bị bỏ lại phía sau. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp phát huy vai trò trong lãnh đạo, nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện mô hình sát với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của đơn vị mình; quan tâm sâu sát làm chuyển biến nhận thức chính trị, ý thức chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trọng tâm là các đơn vị phân tán, nhỏ lẻ, đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới.

 Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn Bộ binh 7 còn chú trọng giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ

Mô hình “Tiểu đội cùng tiến” được kế thừa và phát triển trên cơ sở mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, nhưng có những ưu điểm nổi bật hơn. Điểm nổi bật thứ nhất là khắc phục tình trạng ganh đua không lành mạnh giữa các cá nhân, tổ, nhóm. Vì xu hướng mới của sự phát triển là: Tất cả cùng thắng. Theo phương châm: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi nhiều người”. Với đặc thù hoạt động quân sự cần sự phối hợp hiệp đồng thành một khối thống nhất, dũng cảm tiến lên, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau để không ai bị bỏ lại phía sau. Thứ hai là yếu tố phù hợp với hoạt động quân sự. Đó là yếu tố hiệp đồng chặt chẽ, ý chí kiên cường, hành động thống nhất. Trong tổ chức biên chế của quân đội, cấp tiểu đội là đơn vị cơ bản, là hạt nhân để phát triển thành các đơn vị lớn hơn. Thống nhất trong tiểu đội là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng một trung đội, đại đội, tiểu đoàn vững mạnh toàn diện. Thứ ba, đây là sự quán triệt và cụ thể hóa phương châm “4 cùng” của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 ở cấp tiểu đội. Tiểu đội trưởng là người quan tâm và chia sẻ với chiến sĩ của mình. Ngược lại, người chiến sĩ cũng phải đồng cam cộng khổ với người chỉ huy và giữa các chiến sĩ với nhau. Đây chính là nét truyền thống của dân tộc, của quân đội ta được chiến sĩ vận dụng ngay từ khi được giáo dục chính trị cơ bản. Và thứ tư, mỗi quân nhân trước khi nhập ngũ đều có những hoàn cảnh khác nhau, địa phương khác nhau, tuổi đời khác nhau, dân tộc, tôn giáo khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau… nhưng cùng chung nhiệm vụ. Chỉ cần một cá nhân vi phạm kỷ luật, hoặc hoàn thành nhiệm vụ thấp đều ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của tiểu đội. Do đó, phải cùng nhau tiến lên.

Hiệu quả nổi bật

Giải pháp để thực hiện mô hình “Tiểu đội cùng tiến” có nhiều nội dung. Cụ thể, trong học tập, huấn luyện, ngay từ những ngày đầu tiếp nhận chiến sĩ, cán bộ tiểu đội trưởng phải nhanh chóng nắm bắt hoàn cảnh gia đình, sở trường, sở đoản của từng chiến sĩ và kết quả trong tuần đầu huấn luyện… để chọn ra những chiến sĩ có nhận thức tốt, ý thức chấp hành kỷ luật cao, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi để làm hạt nhân nòng cốt hỗ trợ những đồng chí khác cùng tiến bộ. Đối với người tiểu đội trưởng, trước hết phải tự rèn mình như rèn chiến sĩ để nêu gương, phải cùng học tập để nắm chắc nội dung bài và tổ chức ôn luyện chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, phát huy được những đồng chí có nhận thức tốt để trao đổi, truy trao giữa các chiến sĩ làm rõ vấn đề bản chất, định hướng, liên hệ vận dụng sát với nhiệm vụ của cá nhân và đơn vị.

Trong kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra 3 tiếng nổ, ngoài yếu tố về tinh thần, kỹ thuật động tác thì còn có yếu lĩnh, kinh nghiệm. Những chiến sĩ thực hành kết quả tốt qua các phần kiểm tra có thể truyền thụ lại cho đồng đội, tránh tư tưởng ganh đua thành tích hoặc tự ti giữa các chiến sĩ. Nếu tất cả đồng lòng và quyết tâm để tiến bộ thì kết quả học tập, huấn luyện sẽ được nâng lên; tạo nên một không khí thi đua đoàn kết “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” để hướng đến mục tiêu chung.

Trong nội dung rèn luyện chấp hành kỷ luật và xây dựng chính quy, người tiểu đội trưởng phải luôn giáo dục, định hướng cho chiến sĩ tinh thần tự giác chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, uốn nắn sửa sai từng bước, không nóng vội, phải thực sự yêu thương chiến sĩ như người thân trong gia đình; làm cho chiến sĩ nhận thức đúng sức mạnh của kỷ luật quân đội. Nếu một người vi phạm sẽ ảnh hưởng đến kết quả của tập thể. Hàng ngày, trong sinh hoạt, giao ban nhận xét, tiểu đội trưởng phê bình những việc làm chưa tốt, những cá nhân chưa tự giác, trách nhiệm với tiểu đội chưa cao; nhưng tránh việc chỉ trích quá gay gắt, hoặc xúc phạm nhân phẩm, danh dự người chiến sĩ. Tiểu đội trưởng phải luôn là hạt nhân gắn kết tinh thần đồng chí đồng đội để cùng tiến lên xây dựng đơn vị có nền nếp chính quy và chấp hành kỷ luật nghiêm.

Trong nội dung lao động tăng gia sản xuất, thể dục, thể thao, sinh hoạt ngày nghỉ, giờ nghỉ là thời điểm mà người quân nhân có nhiều thời gian dành cho nhau để chia sẻ, tâm tình, hỗ trợ nhau trong công tác, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tạo nên một tập thể gắn kết với lối sống lành mạnh. Đồng thời, đây là dịp góp ý chân tình, thẳng thắn để mọi người cùng tiến bộ. Tiểu đội trưởng là người chủ động dẫn dắt định hướng người chiến sĩ để họ coi “Doanh trại là nhà, đồng chí đồng đội là tình anh em”; có tư tưởng luôn phấn khởi, lạc quan tin tưởng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Đại tá Nguyễn Duy Đoàn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, cho biết sau thời gian thực hiện mô hình “Tiểu đội cùng tiến”, kết quả thực hiện nhiệm vụ nói chung và công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở đơn vị nói riêng có nhiều chuyển biến nổi bật, giải quyết tốt hơn những vấn đề nảy sinh về tư tưởng, tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, có ý thức trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiệu quả của mô hình được chứng minh qua kết quả hội thao, hội thi cấp quân đoàn, sư đoàn nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích tốt và xuất sắc, các vụ việc vi phạm kỷ luật giảm; 6 tháng đầu năm 2019 đơn vị xếp thứ nhì khối thi đua.

 LÊ CÔNG BA