Sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 - Cơ quan chức năng vào cuộc

Thứ sáu, ngày 14/06/2013

Sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, ngày 13-6, cùng với các nỗ lực di dời dân đến nơi an toàn, các cơ quan chức năng của Trung ương và tỉnh Gia Lai đã khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân.

        Người dân gặp khó

Sáng 13-6, chúng tôi quay trở lại hiện trường, chứng kiến một bầu không khí đổ nát, hoang tàn quanh công trường thủy điện Ia Krêl 2. Trên phần thân đập sát mép nước dòng suối Ia Krêl, đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn có thể đổ ập bất cứ lúc nào. So với hôm qua (12-6), đã có thêm hàng chục mét khối đất cạnh vị trí vỡ đập đổ xuống suối. Ghé vào làng Ó, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), chúng tôi muốn tìm hiểu đời sống của bà con dân làng khi cơn lũ dữ đi qua, tàn phá làng mạc. Ông Puih Ơnh (dân tộc Ja Rai), vẫn chưa tỉnh táo hẳn khi cơn “đại hồng thủy” suýt lấy mạng cả gia đình ông. Có rẫy mì dưới hạ lưu của công trình thủy điện Ia Krêl 2, đêm 11-6, vợ chồng ông và 3 đứa con nhỏ ngủ lại nhà đầm.

  Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cùng đơn vị chủ đầu tư tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Rạng sáng 12-6, khi nước lũ trên thượng nguồn ập xuống, vợ và 3 đứa con của ông đều đang ở trên đồi cao, còn bản thân ông thì đánh cá dưới suối Ia Krêl. “Đang xem cá bị mắc lưới, tôi thấy nước ào ào đổ về. Tôi vội trèo lên ngọn cây bên dòng suối, cứ thế đeo miết. Vẫn còn sợ, tôi lấy thắt lưng buộc thân mình vào thân cây, rủi nước cuốn trôi có khi người thân còn tìm thấy xác” - khuôn mặt tím tái, ông Puih Ơnh kể chuyện.

Dạo quanh khắp làng Ó, làng Bi, làng Mok Đen (xã Ia Dom), không khí buồn bã bao trùm từng mái nhà sàn. Phần lớn cây công nghiệp dài ngày, hoa màu, cùng lương thực dự trữ của bà con Ja Rai đã bị nước lũ cuốn trôi. Sau sự cố, đời sống của hàng trăm hộ dân vùng biên giới này có thể sẽ trở lại nghèo đói. Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho hay, trong buổi sáng 13-6, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện đã đưa được toàn bộ 30 hộ dân sinh sống dọc theo suối ra nơi an toàn. Các ngành chức năng của huyện cũng đang thống kê thiệt hại để yêu cầu phía chủ đầu tư bồi thường. Con số thống kê sơ bộ là khoảng 200ha cây cao su và hoa màu bị gãy đổ, cuốn trôi.

Ngày 13-6, ông Bạch Đức Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai đã có báo cáo bước đầu nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl. Theo báo cáo này, lúc 3 giờ sáng ngày 12-6, đập thủy điện Ia Krêl 2 gặp sự cố, do ống dẫn dòng phía dưới đập bị sụt lún, làm nứt đoạn đập khiến nước lùa vào đoạn đập trên cống rộng 5-7m.

Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phát hiện thêm trước đây trên bề mặt đập, lượng xe công trình có trọng tải lớn di chuyển nhiều và luôn đi qua cống, quá trình lu dùng loại máy tạo áp lực lớn (khoảng 35 tấn) có thể làm rạn nứt phần trần cống dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố. Theo ông Quang, hiện tại Công ty CP Công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai đang thống kê thiệt hại, triển khai khắc phục hậu quả để hoàn thiện lại công trình trong thời gian sớm nhất. Trong đầu giờ chiều ngày 13-6, chủ đầu tư công trình - ông Bạch Đức Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai đã có mặt tại hiện trường cùng với các cơ quan chức năng khảo sát, khám nghiệm hiện trường.

Về nguyên nhân sơ bộ ban đầu, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết: “Khi có sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, chúng tôi mới đến kiểm tra nắm tình hình. Theo tôi, chất lượng công trình kém, không theo thiết kế ban đầu nên dẫn đến bể ống hộp nằm ngang thân đập”.

        Xử lý nghiêm sai phạm

Bên lề kỳ họp QH, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện Chính phủ đang cho kiểm tra, nhưng ban đầu có thể thấy đây không phải là mùa lũ mà lại bị vỡ đập, chứng tỏ thi công rất ẩu. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm. “Đập đất không phải là không bền vững, nhưng đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn. Có phần may mắn là sự cố vừa qua xảy ra ban ngày và không dẫn đến chết người. Nếu xảy ra vào mùa lũ, hồ tích nước đầy thì đúng là thiệt hại sẽ rất lớn. Có thực tế là các đập nhỏ lại đáng lo ngại hơn vì nhiều khi chủ đầu tư và cơ quan quản lý có tâm lý chủ quan, những mùa lũ vừa qua cũng đã có một vài đập nhỏ bị vỡ. Sau việc này phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và phải xử lý thật nghiêm.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong phân công phân cấp hiện nay thì các hồ thủy điện lớn thuộc Bộ Công thương quản lý, còn hồ thủy điện công suất từ 30MW trở xuống thì do địa phương quản lý cả về công tác quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng. Trường hợp đập thủy điện này cũng theo phân cấp như vậy. Các bộ cũng đã vào cuộc và sẽ kiểm tra, xử lý, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho các đập khác.

“Phải xem xét tất cả các khâu, từ sai sót thiết kế, rồi thi công, nghiệm thu, vận hành… Sau đó phải xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc; không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý hết trách nhiệm. Xử lý còn để làm gương cho các công trình khác, răn đe các chủ đầu tư khác buộc họ hết sức tôn trọng các quy định của pháp luật” - Phó Thủ tướng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là đập đất đồng chất dung tích hữu ích xấp xỉ 3 triệu m³ nước và dung tích chết 5,9 triệu m³, chiều cao đập 27m.

Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Công nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai; tư vấn thiết kế là Văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình Trường Đại học Thủy lợi; tư vấn giám sát là Công ty MTV Tư vấn thiết kế xây dựng Kiến Hoàng Phi.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đã nhìn thấy vấn đề này và đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, người chịu trách nhiệm ở đây là chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế, thi công, giám sát. Cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn phải có trách nhiệm bởi vì cơ quan này phải kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thực hiện.

Theo SGGP