Stress học đường

Thứ bảy, ngày 08/09/2012

“Mẹ ơi, con không muốn đi học đâu, con ghét đến trường!”. Hãy hình dung một ngày nào đó, khi bạn phải thức dậy thật sớm (như mọi ngày), chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho bé và đánh vật với thời gian khi cố gắng gọi bé dậy để đi học. Và rồi... câu trả lời của bé làm bạn cảm thấy thất vọng. Thế nhưng, đứng dưới góc độ y học, nhiều khả năng bé của bạn đang chịu áp lực do căng thẳng trong việc học mà y khoa gọi là chứng “stress học đường”. 

Những dấu hiệu báo động

Khi con bạn lo lắng về việc đến trường, điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Một đứa trẻ cảm thấy bị căng thẳng do việc học sẽ có biểu hiện nhức đầu hoặc đau dạ dày. Bé cũng có thể có cảm giác hồi hộp và buồn nôn. Rối loạn giấc ngủ cũng là một biểu hiện của stress, khi trẻ ngủ không đủ, trẻ trở nên bẵn tính và mệt mỏi suốt cả ngày. Cảm giác mệt mỏi khiến cho ngày học của bé trở nên tồi tệ.

Vì sao trẻ sợ đến trường?

Khi trẻ không chịu đến trường, thay vì giận dữ la mắng trẻ, điều đầu tiên bạn nên làm là tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Có thể trẻ bị bắt nạt, trẻ có bất đồng với bạn bè, trẻ sợ thầy cô giáo... nhưng nguyên nhân thường gặp nhất vẫn là áp lực bài vở ở lớp và ở nhà. Một số trẻ không theo nổi chương trình học và cảm thấy chán nản.

Làm sao nhận biết bé đang có vấn đề về bài vở? 

Sau đây là một số gợi ý mà chúng ta có thể quan sát thấy: Có biểu hiện học “dưới sức” khi ở trường; Không hoàn thành hết bài tập ở lớp hay ở nhà; Quên mang tập vở; Không nhớ những gì cha mẹ dặn dò; Từ chối sự giúp đỡ của mọi người.

Stress gây hậu quả như thế nào?

 Bạn cần giúp trẻ sắp xếp thời gian biểu hợp lý, nếu không mức độ stress sẽ tăng dần cùng với khối lượng bài tập càng lúc càng nhiều. Khi đó stress học đường sẽ gây một số ảnh hưởng bất lợi đến việc học của bé như: mất khả năng tập trung, uể oải và mệt mỏi, giảm khả năng tiếp thu bài và làm trẻ cảm thấy khó khăn khi học tập cũng như vui chơi. 

Chúng ta sẽ giúp con trẻ bằng cách nào?

Việc quan trọng nhất là nên cùng trẻ thu xếp một quỹ thời gian biểu học tập hợp lý để bảo đảm đủ thời gian cho bé giải quyết khối lượng bài tập về nhà.

Với tình hình hiện nay, khá nhiều cha mẹ phải “lực bất tòng tâm” nhìn con em mình “chạy sô” học hết nơi này đến nơi khác. Hãy luôn quan niệm không có bất cứ bài tập nào quan trọng đến nỗi bé phải “hy sinh” giấc ngủ của mình hay làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé cả.

Hãy dạy bé thói quen sắp xếp có tổ chức, bắt đầu bằng việc dạy bé dán nhãn tất cả các tập sách và trang bị đầy đủ dụng cụ học tập như giấy kiểm tra, bút, gôm, thước kẻ, máy tính... Nếu bé phải học nhiều lớp (học chính khóa, học thêm...) nên sắp sẵn các thứ cần mang theo cho từng lớp học ở một ngăn riêng.

Tập cho bé kỹ năng phân loại bài tập. Những bài tập khó, dài hoặc cần học ngay (như bài kiểm tra) nên ưu tiên thực hiện trước. Sau 45 - 60 phút làm bài, nên cho bé nghỉ giải lao 5 - 10 phút trước khi tiếp tục. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng lại rất có hiệu quả trong việc giúp bé lấy lại năng lượng và làm đầu óc tỉnh táo.

Nếu có điều kiện, nên tổ chức cho trẻ học nhóm với nhau. Và cuối cùng, trong những trường hợp bất khả kháng, bạn có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về việc gia hạn thêm chút ít thời gian để con bạn có thể hoàn thành tốt bài tập về nhà.

   BS NHƯ HUỲNH (BV Nhi Đồng 1)