Sốt xuất huyết giảm, dịch tay chân miệng được kiểm soát
(BDO) Sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm theo mùa, mang tính chu kỳ. So với cùng kỳ năm 2022 trên địa bàn tỉnh, bệnh SXH giảm 82% ca mắc nhưng dịch TCM tăng gấp 2 lần. Tuy nhiên, trong nhiều tuần qua, số ca mắc của 2 bệnh này được duy trì ở mức ổn định.
Khám, chữa bệnh cho trẻ bị SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Giảm 82% số ca mắc sốt xuất huyết
Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.874 ca mắc SXH, giảm 82% so với cùng kỳ, 1 ca tử vong tại huyện Bắc Tân Uyên. Trong tổng số hơn 1.874 ca mắc, dưới 15 tuổi là 659 ca (giảm 84% so với cùng kỳ), số ca nặng là 45 ca (giảm 88%). Địa phương ghi nhận ca mắc cao là huyện Phú Giáo 239 ca, TP.Thuận An 297 ca, TX.Bến Cát 643 ca.
Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, SXH được kiểm soát tốt, chỉ xuất hiện rải rác tại một số địa bàn. Tuy nhiên, với đặc điểm thời tiết mưa nắng thất thường thì chúng ta vẫn cần cảnh giác cao với bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân và các đơn vị y tế không chủ quan trong công tác phòng, chống, tránh nguy cơ bùng phát dịch. Người dân và các tổ chức, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm, triệt nơi sinh sản của muỗi hàng tuần tại nơi làm việc và nơi cư trú. Xử lý được nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh là giải pháp rất căn cơ để kiểm soát dịch bệnh SXH. Theo đó, mỗi tuần mỗi gia đình dành 10 - 15 phút để dọn dẹp các vật phế thải ứ đọng nước, thay nước bình hoa, cọ rửa và úp các vật dụng xô, chậu, thau để ngoài trời” .
Thời gian qua, ngành y tế tỉnh thành lập đoàn giám sát phòng, chống dịch SXH tại một số huyện, thị, thành phố. Qua công tác giám sát phòng, chống dịch, ngành y tế ghi nhận các địa phương còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng. Việc rà soát, phân loại và xử lý các điểm nguy cơ là rất quan trọng, cần sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đề nghị các trạm y tế tăng cường rà soát, đánh giá, xếp loại các điểm nguy cơ; qua đó tham mưu kế hoạch giám sát điểm nguy cơ trình cấp thẩm quyền phân công nhân sự thực hiện. Các Trung tâm Y tế và Phòng Y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường phổ biến việc phản ánh điểm nguy cơ chưa được giải quyết. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành y tế kêu gọi mỗi người dân tích cực phòng, chống SXH, phát hiện và xử lý sớm những vật chứa có thể đọng nước tại nơi ở và làm việc để muỗi không có nơi sinh sản.
Qua điều tra, giám sát dịch tễ của ngành y tế cho thấy, các chỉ số nguy cơ bùng phát thành dịch SXH tại những điểm nguy cơ là rất cao. Các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tiếp tục phối hợp với các Trạm Y tế, chính quyền địa phương và các đoàn thể của các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tìm và diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường nhằm hạn chế muỗi truyền bệnh lây lan nguồn bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị cử cán bộ thường xuyên giám sát các ổ dịch cũ, các địa bàn có bệnh nhân mắc SXH để kịp thời có phương án xử lý.
Ghi nhận hơn 5.600 ca mắc tay chân miệng
Khác dịch bệnh SXH, với dịch bệnh TCM, tỉnh ghi nhận 5.677 ca mắc (tính trong 10 tháng năm 2023, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022) và ghi nhận 2 ca tử vong tại TP.Thuận An. Địa phương có ca mắc cao là: TP.Thuận An 1.288 ca, TP.Tân Uyên 1.148 ca, TP.Dĩ An 1.059 ca, TP.Thủ Dầu Một 1.001 ca, TX.Bến Cát 541 ca, huyện Bắc Tân Uyên 268 ca, huyện Phú Giáo 143 ca, huyện Dầu Tiếng 117 ca và huyện Bàu Bàng 112 ca.
“Ngành y tế tỉnh đã tăng cường giám sát hoạt động phòng, chống TCM tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập, tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến cáo cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh TCM; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động truyền thông phòng, chống dịch tại các địa phương. Đồng thời, ngành tổ chức lớp tập huấn cho giáo viên các trường mầm non cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng của TCM để đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời”, bác sĩ Trần Văn Chung chia sẻ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác khám, chẩn đoán và phân độ đúng bệnh; theo dõi sát diễn biến bệnh và các dấu hiệu chuyển nặng để điều trị kịp thời và hạn chế tình trạng chuyển nặng nhanh, nguy kịch; tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới. Đặc biệt, tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các đơn vị duy trì tổ chức hoạt động trực tuyến thảo luận, phân tích các ca bệnh nặng, nâng cao năng lực điều trị, giúp người bệnh tại tỉnh được điều trị sớm, kịp thời, hạn chế chuyển viện không an toàn.
Khi chăm sóc trẻ bị TCM, phụ huynh, người chăm trẻ cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo chuyển bệnh nặng, biến chứng ảnh hưởng tới não bộ gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong. Dấu hiệu chính là trẻ bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với, lòng bàn tay nổi nốt, miệng loét, chảy nước bọt... Phòng bệnh quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt, đồ vật, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ”. (Bác sĩ CKI Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) |
HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG