Sống trọn với nghề
Dạy học là một nghề đặc biệt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người thầy góp phần tạo dựng nên tâm hồn, nhân cách và trí tuệ của con người nên được xã hội quý trọng. Để ghi nhận những cống hiến của các nhà giáo cho sự nghiệp trồng người, hôm nay (20-5), Sở Giáo dục - Đào tạo long trọng tổ chức lễ tri ân các thế hệ nhà giáo đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong 40 năm qua. Dịp này, chúng tôi xin giới thiệu 3 trong số những nhà giáo tiêu biểu đã đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục tỉnh nhà.
(BDO) Cần mẫn gieo con chữ cho học sinh
Thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước, ông Trần Văn Lợi, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP.Thủ Dầu Một trao Huân chương Lao động hạng ba cho Nhà giáo ưu tú Ngô Mỹ Lệ
Những nhà giáo được ngành GD-ĐT tặng biểu trưng vàng nhân dịp lễ tri ân các thế hệ nhà giáo đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong 40 năm qua đa số đều đã và chuẩn bị nghỉ hưu. Nhà giáo ưu tú Ngô Mỹ Lệ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú (TP.Thủ Dầu Một) cũng là một trong số những nhà giáo ấy. Suốt 36 năm công tác và cống hiến cho ngành, cô nhận được nhiều bằng khen của các cấp, nhưng cao quý hơn là năm 2014 cô được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Cô Lệ thuộc thế hệ nhà giáo những năm đầu sau giải phóng. Ngày ấy, khi tốt nghiệp sư phạm, cô được phân công giảng dạy ở xã Tân Lập, Đồng Phú (tỉnh Bình Phước hiện nay). Kể sau hết những khó khăn gian khổ của các nhà giáo trong giai đoạn này. Ở xứ sở đất đỏ nắng bụi, mưa lầy, cái ăn không đủ no, thiếu điện, thiếu nước, trường lớp thì tạm bợ… Vậy mà, vì thương yêu học trò vùng xa bị thất học, cô Lệ vẫn đứng vững trên bục giảng, cần mẫn gieo chữ cho các em.
4 năm sau, cô Lệ chuyển về giảng dạy ở trường Tiểu học Nguyễn Du TP.Thủ Dầu Một. Giai đoạn những năm 1991-2002 là thời điểm cô bắt đầu tỏa sáng, cô tham gia thi giáo viên (GV) giỏi và đoạt giải GV giỏi cấp tỉnh trong 9 năm liên tục; năm 2003 cô đoạt giải 3 GV dạy giỏi cấp quốc gia; năm 2004 đến 2013, cô liên tục đoạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở - Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen cấp bộ, bằng khen của Đảng ủy. Với cô Lệ, có tình thương yêu HS và tâm huyết với nghề, cô say mê viết sáng kiến kinh nghiệm. Từ khi làm cán bộ quản lý, cô vẫn tiếp tục viết, trong đó có 5 sáng kiến loại A và 11 sáng kiến loại B cấp tỉnh.
Đề bạt cô làm Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng GD- ĐT thành phố rất an tâm về năng lực và tinh thần trách nhiệm của cô Lệ. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, mỗi ngày đến trường, cô thường xuyên nắm bắt tình hình giảng dạy của GV để góp ý xây dựng, giúp cho đàn em nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Điểm nổi bật nhất ở cô Lệ là đào tạo GV dạy giỏi. Dưới sự dìu dắt của cô, mỗi năm trường Tiểu học Trần Phú có 4 GV đạt GV dạy giỏi, đến khi cô về hưu thì trường đã có đội ngũ GV vững mạnh. Qua nhiều năm công tác, cô đã hỗ trợ cho các tổ trưởng chuyên môn và góp sức cùng với nhà trường đưa trường đạt chuẩn quốc gia loại 1 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 năm 2013.
Có một “nữ tướng”…
Chúng tôi gọi đùa Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tuyết (ảnh), nguyên Hiệu trưởng trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) như thế vì cô là người giữ chức hiệu trưởng nhiều năm nhất trong số các nữ hiệu trưởng. Cô chính thức làm hiệu trưởng từ năm 1985, khi đó còn là trường cấp II. Năm 1993, trường tiếp nhận cơ sở cũ của trường Cao đẳng Sư phạm. Cơ sở vật chất trường lớp khó khăn thì không thể vực dậy được chất lượng. Không để học sinh (HS) học trong ngôi trường xuống cấp, cô Tuyết đã cùng Ban giám hiệu huy động từ nhiều nguồn, cố gắng sửa chữa trường lớp, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng. Từ năm 1995, trường luôn dẫn đầu về phong trào dạy tốt. Năm 1999, khi đã đủ điều kiện, trường xin nâng cấp lên trường THPT. Với tài quản lý của cô, nhiều năm trường đứng trong top đầu về kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2010 đến nay, hàng năm trường THPT An Mỹ có 100% HS tốt nghiệp, tỷ lệ HS đậu đại học đứng thứ 5 - 6 của tỉnh. Chất lượng giáo dục ở ngôi trường này đã được xã hội ghi nhận, phụ huynh tin tưởng. Đó chính là thành công của tập thể sư phạm nhà trường, mà người đứng đầu là cô Tuyết.
Trong suốt thời gian làm cán bộ quản lý, tâm huyết lớn nhất của cô Tuyết chính là giúp đỡ cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Lần đầu tiên tôi biết đến cô Tuyết là dịp cô vận động một Việt kiều Thụy Sĩ tặng học bổng cho HS của trường. Thương học trò như con, cô không muốn những tài năng bị thui chột, nên hàng năm cô vận động các Mạnh Thường Quân cấp học bổng cho HS nghèo hiếu học. Hàng năm, nhà trường khen thưởng cho HS đậu đại học khoảng 60 triệu đồng, cấp phát học bổng khoảng 160 triệu đồng. Em Nguyễn Bích Siêng, nguyên là HS của trường xúc động nói: “Biết được hoàn cảnh gia đình em nghèo khó, chính cô Tuyết đã tìm nhà tài trợ cho em học tập cho đến khi tốt nghiệp đại học. Em của em là Nguyễn Văn Tập cũng được hỗ trợ học bổng mà có điều kiện học Đại học Y Cần Thơ. Cô Tuyết chính là người mẹ thứ hai của gia đình em, cô đã chắp thêm đôi cánh để ước mơ của mấy chị em được bay cao và bay xa”.
Trước khi về hưu, cô Tuyết đã để lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm thật quý giá về công tác quản lý. Được tham gia nhiều hội thảo khoa học, tham gia tập huấn chương trình liên kết với Singapore về đổi mới giáo dục, cô đã chia sẻ những kiến thức đã học được và kinh nghiệm của bản thân cho cán bộ quản lý các trường phổ thông học tập và nhiều trường đã triển khai thực hiện có hiệu quả.
Người thầy ưu tú hết lòng với nghề
Không chỉ giỏi chuyên môn, giỏi quản lý, Nhà giáo ưu tú Văn Văn Phê (ảnh), nguyên Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An còn là một người thầy sống hết lòng, tất cả vì HS thân yêu. Mặc dù đã về hưu 5 năm rồi, nhưng thầy chưa bao giờ thôi trăn trở về nghề dạy học. Với ông, làm thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Mong muốn lớn nhất của thầy là làm sao để học trò trở thành người đàng hoàng, có ích cho xã hội.
Năm 1971, thầy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm và trở về quê hương Dĩ An để cống hiến sức trẻ của mình. Thầy bồi hồi nhớ lại: Mới đó mà đã hơn 40 năm, kể từ khi tôi đến với nghề dạy học. Những năm đầu thập niên bảy mươi ấy thật gian khó và vất vả, chiến tranh dữ dội hơn bao giờ hết. Thầy và trò vừa học, vừa chạy giặc, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Tuy nhiên, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, gian khổ tranh thủ mọi lúc, mọi nơi và tìm mọi cách để mang con chữ đến với học trò. Với tôi, những năm tháng đầu tiên ấy là những kỷ niệm không thể nào phai nhạt về một thời cống hiến và dấn thân đúng nghĩa.
Hơn 40 năm làm công tác giảng dạy và quản lý, thầy Phê thấu hiểu những vấn đề giáo dục hơn ai hết. Dù ở cương vị nào đi nữa, thầy luôn giữ trọn niềm tin với nghề giáo và luôn đau đáu làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho nhà trường nói riêng và địa phương nói chung. Thầy quan niệm rất rõ về công tác đào tạo và chất lượng giáo dục. Đã dạy HS là dạy thật, không thể vì thành tích mà bảo đảm một tỷ lệ đẹp, trong khi chất lượng lại không thực. Hơn 10 năm (1989-2010) làm hiệu trưởng trường THPT Dĩ An, thầy đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, nhiều ý tưởng táo bạo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại ngôi trường này. Chính nhờ đó, trường THPT Dĩ An nhiều năm qua có tỷ lệ HS tốt nghiệp cao nhất nhì trong tỉnh, số lượng HS giỏi, đạt giải ở các kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia ngày càng nhiều và là một trong những lá cờ đầu trong ngành giáo dục Bình Dương.
Thầy Phê không thích nói về những công lao của mình. Thầy tin rằng mọi việc trên đời đều “Hữu xạ tự nhiên hương”. Dấn thân cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì HS thân yêu, thầy Phê được đón nhận rất nhiều danh hiệu cao quý. Thầy là một trong những cá nhân xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được tỉnh chọn điển hình dự hội nghị tại Hà Nội năm 2010; năm 2001 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2006 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba…
HỒNG THÁI - NGỌC THANH