Sống nơi đầu sóng

Thứ ba, ngày 14/06/2011

Những ngày này, đi đến đâu trên khắp các nẻo đường, cụm từ “biển đảo Tổ quốc” lại mang đến những cảm xúc dạt dào. Từ 36 năm trước, khi Trường Sa được giải phóng, khi những chiến sĩ hải quân đầu tiên rẽ sóng, bám biển, trụ vững nơi đảo xa, cuộc sống nơi đầu sóng ấy đã được ví như những tấm bia chủ quyền sống động nơi tuyến đầu Tổ quốc. Chúng tôi đã tìm về quá khứ, nối tiếp những câu chuyện trong hiện tại để ghi nhận những tư liệu ít ai biết về cuộc sống nơi đầu sóng, với mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng hợp về quá trình bảo vệ và xây dựng biển đảo của quân và dân ta. Qua đó, một lần nữa khẳng định chủ quyền vững chắc của Việt Nam trên biển Đông mà chúng ta đã dày công vun đắp, từ máu, từ mồ hôi và cả sự hy sinh thầm lặng…

Bài 1: Hải trình lịch sử

Ông Trần Phong, nguyên quyền Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125 Hải quân cung cấp cho báo chí một thông tin: “Trước năm 1975, quân đội ta đã có những chuyến trinh sát, tiếp cận khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để phục vụ cho những chuyến tàu không số chuyển vũ khí chi viện miền Nam”. Từ thông tin quý giá đó, chúng tôi tìm gặp những người biết và đã từng đi trên chuyến tàu đó cũng như tìm hiểu về hải trình lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa.

Một phần máu thịt quê hương

Ông Trần Phong (ngụ tại quận 1, TP.HCM) nhớ lại: “Ngay từ những năm 1970 - 1971, quân chủng đã có ý định mở một tuyến đi mới vào Nam, đánh lạc hướng địch để chuyển vũ khí chi viện miền Nam. Khu vực quần đảo Trường Sa và cả Hoàng Sa lúc ấy, theo nhận định là nơi trú ẩn an toàn của các con tàu không số vốn được ngụy trang là những con tàu đánh cá với điểm đến là các tỉnh Nam bộ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 2 năm, đã có tổng cộng 4 chuyến trinh sát xung quanh khu vực biển đảo này. Không phải chuyến tàu nào cũng thành công nhưng đã khẳng định một điều: Vào thời điểm đó, Trường Sa đã và đang trở thành một phần máu thịt quê hương, thấm trong từng suy nghĩ của mọi người.

Theo những tư liệu chúng tôi có được, chuyến trinh sát được cho là thành công nhất diễn ra vào năm 1971. Con tàu không số có trọng tải 200 tấn xuất phát, rẽ sóng tìm về Trường Sa. Trên chuyến tàu ấy, ông Võ Hán (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 146) được giao nhiệm vụ dẫn dắt.

  Phút thư giãn của các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn.

Đến gặp ông ở nhà riêng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, dù đã gần 80 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng ông Võ Hán vẫn nhớ như in những ngày rong ruổi xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông cho biết: “Đây là nhiệm vụ tối mật, không được phổ biến rộng rãi mà chỉ có chỉ huy tàu được biết. Trước chuyến đi, đã có những chuyến tàu khác lên đường nhưng chưa thực hiện được nhiệm vụ vì bị mắc cạn bởi bãi san hô xung quanh quần đảo này. Chúng tôi gồm 21 người trên tàu, hầu hết là lần đầu đến đây”.

Điểm đến đầu tiên của tàu là đảo Song Tử Tây, nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Theo ông Võ Hán, khi hòn đảo hiện ra, anh em trên tàu, nhất là với những người lần đầu đến khu vực này đều có cảm giác là lạ khó tả, bởi dù bị chiếm đóng, Song Tử Tây vẫn là một phần máu thịt của quê hương.

Ông Hán nói: “Chúng tôi neo tàu, giả làm ngư dân tìm lên đảo quan sát, ghi nhận tình hình. Đến chiều, tàu tiếp tục nhổ neo, chuyển hướng đến đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và một số đảo gần khu vực đó. Sau khi hoàn thành chuyến đi thứ nhất, chúng tôi trở về báo cáo tình hình. Một tháng sau, tàu lại nhận lệnh đi chuyến thứ hai, vừa để tiếp tục dò đường, vừa làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí. Lần này, chúng tôi cũng cho tàu đi theo hải trình cũ, đến đảo Song Tử Tây đầu tiên rồi vòng trở về hướng U Minh Hạ, Cà Mau, sau đó sang Kô Kông (Campuchia) chuyển hàng”.

Cũng theo ông Võ Hán, hải trình của những chuyến tàu trinh sát đó không được ghi chép và lưu lại. Bởi là tàu không số với hoạt động đặc biệt bí mật, những ghi chép về con tàu chỉ là những dòng chữ vắn tắt trên những mảnh giấy nhỏ và sau đó bị tiêu hủy để đảm bảo bí mật.

Nhiệm vụ đặc biệt

* Ông Phạm Duy Tam hiện đang sống quận 2, TP.HCM. Con trai ông là thượng úy hải quân Phạm Duy Phương đang làm việc tại Tân Cảng Sài Gòn. Ông đặt tên cho cháu nội của mình là Phạm Duy Hải, như để nhắc nhớ một thời kiên cường bám biển. Tâm sự với chúng tôi, ông tin rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ đủ sức kế tục sự nghiệp cha anh đi trước, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau chuyến trinh sát quần đảo Trường Sa, đã có nhiều chuyến tàu chở vũ khí vào Nam. 4 năm sau đó, thời cơ đến, nhiệm vụ giải phóng Trường Sa được đặt ra.

Ông Võ Hán kể tiếp: “Đến tháng 4-1975, chúng tôi nhận lệnh cho tàu 643 đổ bộ vào giải phóng Trường Sa. Tuy nhiên sau đó, tàu của chúng tôi lại được chỉ thị không ra Trường Sa nữa mà chuyển hướng giải phóng Cù Lao Thu (đảo Phú Quý). Đây là bước đệm quan trọng cho việc giải phóng quần đảo Trường Sa sau này”.

Cũng trong lúc đó, sứ mệnh lịch sử giải phóng Trường Sa được giao cho 3 con tàu của Lữ đoàn 125, đó là các tàu 673, 674, 675 phối hợp với lực lượng đặc công Đoàn 126 Hải quân. Một trong 3 thuyền trưởng của chuyến tàu lịch sử đó là đại tá Phạm Duy Tam, nguyên thuyền trưởng tàu 675. Biết ông vừa chuyển vào TP.HCM từ Đà Nẵng được 2 tháng, chúng tôi đã tìm gặp ông tại nhà riêng (quận 2, TP.HCM).

Khoe những tấm hình đã hoen ố vì thời gian mà ông chụp chung với những đồng đội của mình, ông kể: “Tháng 4-1975, chúng tôi được giao một nhiệm vụ đặc biệt là giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau khi Đà Nẵng được giải phóng (29-3-1975), theo lệnh của chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một biên đội tàu cá giả dạng (tàu không số) cấp tốc từ Hải Phòng vào nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa”. Thời khắc cấp bách, 3 con tàu nhận lệnh vượt gần 500 hải lý để tiếp cận quần đảo.

Các đảo ở Trường Sa có cao độ thấp, chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 1,5m - 4,5m. Ban ngày quan sát đã khó, ban đêm lại càng khó hơn vì đảo không có điện, huống hồ lại phải phân biệt đảo nào do quân đội Sài Gòn chiếm giữ trên một vùng biển mênh mông, rộng lớn.

Ông Tam nhớ lại: “Chúng tôi nhận được lệnh là tuyệt đối không đánh nhầm vào các đảo do nước ngoài chiếm giữ. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi máy móc, thiết bị hàng hải mà ta có được lúc đó quá thô sơ. Cuối cùng bằng kinh nghiệm, chúng tôi cũng phát hiện quân đội Sài Gòn chiếm giữ 6 đảo nổi của Trường Sa. Trong đó đảo Nam Yết là sở chỉ huy với lực lượng lên đến 60 lính; các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn đều có 40 lính; các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang có 20 lính…”.

Những cơn sóng biển đổ chụp con tàu, ai cũng say sóng nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Lực lượng đặc công thủy nằm bẹp dưới hầm tàu để tránh bị phát hiện. Anh em say sóng lừ đừ nhưng vẫn ráng chịu đựng. Biển sóng to, gió lớn trong khi tàu khá nhỏ, mọi người quyết định vẫn mở hết công suất máy. Rồi một chiếc tàu bị hỏng máy. Khó khăn hơn, cả đội tàu không thể liên lạc được với sở chỉ huy của quân chủng đóng ở Đà Nẵng. Lúc này chỉ có thể đi bằng kinh nghiệm, quyết tâm và ý chí...

Chủ quyền ở Trường Sa

Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km), trước mặt đội tàu là đảo Song Tử Tây. Lúc đó hai tàu 673, 674 án ngữ phía Bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết.

Ông Tam kể tiếp: “Tàu 675 bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo, thả các xuồng cao su loại nhỏ xuống biển. Các xuồng lần lượt chở 40 đặc công nước lên đánh chiếm đảo”. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, ta bất ngờ nổ súng. Sau 15 phút chiến đấu, Song Tử Tây được giải phóng. Hơn 1 tuần sau, tàu 641 của Lữ đoàn 125 chở phân đội đặc công nước Đoàn 126 đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sau ít phút nổ súng, ta giải phóng đảo, bắt sống 17 lính”.

Lúc này, trên đất liền quân ta liên tục tấn công và thắng lớn. Quân đội Sài Gòn càng hoang mang, không thể cố thủ các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Lực lượng hải quân tiếp tục sử dụng 2 tàu chiến đang ở khu vực đảo Nam Yết bốc toàn bộ quân, chớp thời cơ, thừa thắng xông lên đổ bộ giải phóng các đảo còn lại. Đúng 2 giờ sáng ngày 29-4-1975, chúng ta giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do chính quyền Sài Gòn chốt giữ, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay…

“Trường Sa được giải phóng, nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay trên các đảo, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui và òa khóc trong giờ khắc thiêng liêng. Trường Sa là chủ quyền, máu thịt của Việt Nam và mãi mãi như thế. Chúng ta quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo Tổ quốc”, vị đại tá hải quân khẳng định.

Trên những hòn đảo chủ quyền Việt Nam, các chiến sĩ hải quân lại bắt đầu nhiệm vụ mới, không kém gian khổ, đó là bám trụ với đảo trong điều kiện sống hết sức khắc nghiệt để bảo vệ chủ quyền…

Bài 2: Bám đảo

Với mong muốn tìm hiểu về những ngày đầu gian khó bám đảo bảo vệ chủ quyền, chúng tôi đã đến TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để tìm gặp một vị đại tá hải quân từng nhiều năm ăn tết cùng lính đảo sau ngày giải phóng. Ở tuổi 82, đại tá Cao Anh Đăng (ảnh), nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 vẫn khỏe mạnh và hào sảng chất lính. Ông mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười dí dỏm: “Tôi vốn là lính đồng bằng. Vậy mà ra Trường Sa, nhiều năm gắn bó cùng sóng gió biển Đông, tôi trở thành hải quân chính hiệu!”.

Đóng bia chủ quyền trên đảo “trọc”

Ký ức của đại tá Cao Anh Đăng quay ngược thời gian, trở về thời điểm tháng 5-1975. Thời gian này, Trung đoàn 46 lục quân được chuyển thành Lữ đoàn 146 hải quân thực hiện nhiệm vụ tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà bộ đội ta vừa giải phóng. Đại tá Cao Anh Đăng kể: “Tháng 11-1975, tôi chỉ huy một tàu ra đảo. Tàu chở theo một đại đội khoảng 60 người. Số anh em này hoàn toàn xuất thân từ lục quân, chưa từng quen với cuộc sống trên biển. Tàu nhổ neo rẽ sóng. Tất cả chúng tôi đều mang tâm trạng hồi hộp trước một nhiệm vụ hoàn toàn mới. Điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một hòn đảo “trọc”. Muốn vào đảo, chúng tôi phải neo tàu ở ngoài xa, cho người bơi vào cột dây lên thân dừa trên đảo rồi thả thuyền bám theo dây để kéo thuyền vào đảo”.

 Nụ cười của những chiến sĩ trẻ Trường Sa.

Theo ông Đăng, cơ sở vật chất, công trình xây dựng trên đảo lúc đó hầu như không có gì. Khu vực đóng quân của quân đội chế độ cũ thực chất chỉ là một chòi tạm làm bằng ván ép, trên lợp tôn, đủ để cho hơn chục người ở. Lúc này, trên các đảo có rất nhiều chim. Chim lớn bằng con vịt nên anh em thường gọi là vịt Trường Sa. Phân chim nhiều đến mức chính quyền cũ còn cho cả một công ty phân bón ra khai thác. Rệp chim cũng nhiều đến mức anh em sống trên đảo thường xuyên bị rệp cắn gây ngứa, sốt. Thời gian này, bộ đội sống chỉ bằng lương khô mang theo. Đảo thiếu nước ngọt, không có rau xanh, chủ yếu phải ăn rau khô, thường là rau muống khô, củ cải khô, dưa muối.

Sau khi giao quân ở đảo Song Tử Tây, tàu tiếp tục hải trình đến đảo Nam Yết, Trường Sa, Sinh Tồn, An Bang. Các đảo này cũng là đảo “trọc”. Để có thức ăn, ban đêm bộ đội hải quân xin dầu trên tàu làm đuốc soi trên những bãi cạn, bãi san hô để bắt cá. Thời gian này, ngoài việc ổn định lực lượng, nơi ăn ở, sinh hoạt, anh em trên tàu còn đi đóng bia chủ quyền trên các đảo, kể cả những đảo chìm như đảo Đá Thị, Thuyền Chài… Trên bia chủ quyền, bên dưới tên đảo và vị trí tọa độ là dòng chữ “thuộc nước CHXHCN Việt Nam”. Kể đến đây, ông Đăng lặng người: “Chỉ mấy chữ đơn giản như vậy thôi mà để có được điều đó, chúng ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu”.

Những lá thư thấm máu

Lực lượng đóng quân trên các đảo sau ngày giải phóng chủ yếu là cán bộ chiến sĩ từ miền Bắc tình nguyện vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.  Sau gần chục năm xa nhà, khi đất nước vừa yên tiếng súng, chưa kịp trở về quê hương, họ lại tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Thời kỳ đầu, những lần lên đảo, chỉ huy lữ đoàn có hứa chuyến tàu sau sẽ chở quân ra thay để anh em có điều kiện về đất liền. Thế nhưng, tình hình thực tế nhiều khi không thể đáp ứng hết nhu cầu thay quân. Có lần, khi tàu đến đảo, khi nghe đại diện lữ đoàn thông báo là chưa có người ra thay, một nhóm 3-4 chiến sĩ liền chạy ra phía sau nhà lấy đất ném lên mái tôn rào rào. Lúc đó anh em trong đoàn ra thăm đảo cảm thấy thương nhiều hơn giận, thấy mình như có lỗi. Ông Đăng nói: “Tôi hiểu nhiều người trong số những anh em đang bám trụ tại đảo đã xa gia đình hàng chục năm trời. Giờ giải phóng rồi mà còn lênh đênh ngoài đảo. Bố mẹ ở nhà mỏi mòn chờ, không biết con mình đang ở đâu, còn sống hay đã chết”. Nói đến đây, ánh mắt ông Đăng lại đượm buồn…

Những ngày đầu, trên đảo không có điện, không có phương tiện nghe nhìn, giải trí. Điều mong ngóng, an ủi duy nhất của các chiến sĩ là những lá thư được gửi theo tàu ra đảo. Ông Đăng kể: “Trong một lần công tác, tàu ra đến đảo Sinh Tồn thì biển nổi sóng, báo hiệu sắp có bão, tôi tổ chức cho anh em xuống thuyền nhỏ để lần lượt vào đảo và mình là người đi chuyến sau cùng. Sóng to khiến khả năng thuyền va vào bãi san hô và vỡ tan là gần như chắc chắn. Để vào được đảo, người có kinh nghiệm phải dùng sức của đôi cánh tay bám chặt vào dây thừng kéo từ trong đảo ra. Nếu thuyền vỡ, chìm, người trên thuyền phải nhanh tay bám dây để đu vào đảo, nếu không sẽ bị trôi hoặc đập đầu vào san hô”. Trên tàu lúc này có 2 chiến sĩ công binh và 2 chiến sĩ quê ở Hải Phòng vừa đi học khí tượng thủy văn ở Liên Xô về. Biết các anh là người lần đầu đi biển, ông Đăng yêu cầu ở lại tàu, chờ sáng hôm sau biển lặng sẽ vào sau.

Khi chuyến thuyền cuối cùng vào tới đảo an toàn lại xảy ra sự cố. Kiểm lại các thùng hàng tiếp tế, anh em phát hiện thiếu mất bó thuốc lào và gói thư gửi từ đất liền ra. Anh em có vẻ buồn. Thấy vậy, phó chỉ huy đảo xin phép được trở ra tàu lấy thư. Không ngờ, khi anh trở ra tàu và trở lại đảo, 4 chiến sĩ còn nằm lại tàu năn nỉ xin theo. Trên đường vào, thuyền của các anh bị lật úp rồi chìm nghỉm. Anh em trong đảo nghe tin vội trở ra ứng cứu. Mọi người xác định ít nhất cũng phải cố tìm được xác mang về. Thế nhưng, sóng lớn khiến việc tìm kiếm vô vọng. 4 người đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển sâu.

Nhưng không chỉ có vậy, đến giờ, khi nhắc đến sự mất tích của một  chính trị viên đảo Nam Yết, ông Đăng vẫn không giấu được xúc động. Số là khi tàu đến đảo, vì quá nôn nóng muốn biết đảo mình lần này có nhận được thư từ đất liền hay không nên một mình anh ngồi trên một chiếc xuồng nhôm, lần theo dây để từ đảo ra tàu. Bất ngờ dây bị đứt. Anh em trên tàu thấy đồng đội mình trôi dần ra xa mà không cứu được vì tàu đang bị hỏng máy. 3 giờ sau, khi máy tàu sửa xong, mọi người nhổ neo đi tìm nhưng mãi mãi không còn thấy chiếc xuồng nhôm và người đồng đội của mình đâu nữa.

Ông Đăng xúc động: “Cuộc sống vất vả, gian khổ như vậy nhưng mọi người rất thương nhau. Suốt gần 15 năm gắn bó với Trường Sa, hầu như năm nào tôi cũng ăn tết ngoài đảo với anh em. Có năm, cả tôi và Đại tá Lê Văn Thư, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cùng ở lại ăn tết trên đảo Thuyền Chài. Đây vốn là đảo chìm, điều kiện sống hết sức khó khăn. Lúc này, lực lượng công binh đang xây dựng công trình trên đảo. Ban ngày lên xây, ban đêm xuống tàu ngủ. Hồi đó, mọi người hay đọc 2 câu thơ vui: “Ai sinh ra đảo Thuyền Chài/ Để hai đại tá nằm dài ở đây”. Đêm giao thừa, tôi cầm chai rượu Lúa Mới xuống tận buồng lái mời anh máy trưởng. Anh xúc động: “Tàu ra đây cả tháng rồi mà thủ trưởng vẫn còn rượu để chúc tết bọn em. Thật không gì quý bằng””.

Chúng tôi hiểu, với vai trò là những người chỉ huy của lữ đoàn, sự có mặt của ông đồng nghĩa với sự đồng cam cộng khổ, là nguồn động viên tinh thần cần thiết để các chiến sĩ đủ sức bám trụ lại đảo.

Sống sót hy hữu

Chuyện xảy ra trên đảo Phan Vinh vào khoảng năm 1979. Một hôm, anh em trên đảo mang giường ra ngâm nước biển cho sạch rệp. Bỗng đâu một con sóng ập vào cuốn chiếc giường trôi ra xa. 5 chiến sĩ gần đó lập tức chạy đến giữ chiếc giường nhưng cả 5 người và chiếc giường cùng bị sóng đánh giạt ra biển. Bão ập tới. Bất chấp hiểm nguy, con tàu trọng tải 50 tấn lập tức được nhổ neo ra khơi để cứu 5 chiến sĩ. Suốt 3 ngày 3 đêm, vẫn không tìm được tăm tích của 5 chiến sĩ. Khi cuộc tìm kiếm đã gần như vô vọng, cả tàu bỗng nhìn thấy mấy chấm đen đang vẫy mảnh áo trắng. Khi đến gần, mới phát hiện cả 5 chiến sĩ đang cố bám vào chiếc giường trôi lênh đênh trên biển. Suốt 3 ngày chịu sóng dập tơi bời, toàn thân ai cũng trầy xước. Mọi người sống được là nhờ ăn thịt chim biển. Lầm tưởng chiếc giường và các chiến sĩ là hòn đảo nhỏ, những chú chim sà xuống đậu trên vai họ và các anh buộc lòng phải ăn sống thịt chim để chờ đồng đội đến cứu…

Theo SGGP