Sống khỏe với ẩm thực ngày tết
(BDO) Với người Việt Nam, “cả năm được 3 ngày tết”. Tết là dịp sum họp nên vào dịp này người người, nhà nhà bày biện tiệc tùng để tiếp đãi bà con, bạn bè, chòm xóm. Dù chuyện ăn uống ngày nay không còn quan trọng như xưa, nhưng những món ăn truyền thống ngày tết vẫn hiện diện đầy đủ trong mỗi bữa ăn của mỗi gia đình. Vì thế, việc ăn uống như thế nào để tốt cho sức khỏe, không tăng cân trong những ngày tết là điều được nhiều người quan tâm...
Đặc sắc ẩm thực ngày tết
Tết là dịp để mọi người được trở về sum họp vui vẻ bên gia đình, là sự mong đợi đầy háo hức của cả trẻ con lẫn người lớn. Dù là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, “ăn tết” có cội nguồn sâu xa và mang ý nghĩa đặc biệt. Dù cuộc sống có trải qua bao nhiêu thay đổi thì truyền thống ngày tết vẫn luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, nếp sống của mỗi người dân Việt.
Nhắc đến tết, mọi người thường nghĩ đến những bữa cơm sum họp của gia đình và những món ngon được chuẩn bị sẵn để tiếp đãi bạn bè, chòm xóm. Thế nên, ẩm thực ngày tết vẫn luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn vùng miền. Để có “3 ngày tết” tươm tất, đầy đủ, ngay từ trước đó, các gia đình đã rục rịch chuẩn bị món ăn, thức uống sẵn sàng. Ngày tết, bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả, tùy theo đặc trưng vùng miền mà trong mỗi gia đình Việt còn có thêm những món ăn truyền thống khác nhau. Phong tục ẩm thực ngày tết ở mỗi vùng miền do đó cũng mang những nét đặc trưng riêng. Với người miền Nam, ngoài món bánh chưng (bánh tét) truyền thống, trong ẩm thực ngày tết không thể thiếu những món ăn như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, củ kiệu trộn tôm khô… Món ăn ngày tết của người miền Nam khá phong phú, đa dạng. Riêng món bánh tét cũng biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét nhân thịt heo đậu xanh, bánh tét chay (bánh ngọt), bánh tét nhân thập cẩm, bánh tét lá cẩm, bánh tét ngũ sắc… Ngoài việc dùng để cúng tổ tiên, ông bà, bánh tét kết hợp với tôm khô củ kiệu, củ cải muối là món ăn không thể thiếu những ngày tết. Cùng với bánh tét, ngày tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu ăn kèm với dưa giá, cải chua. Bên cạnh đó, món khổ qua dồn thịt dân dã cũng là món ăn đặc trưng ngày tết của người miền Nam. Món ăn này không thể thiếu bởi nó “chứa đựng” cả mong ước của mỗi gia đình. Đây không chỉ là món ăn ngon miệng, thanh mát cơ thể, mà theo quan niệm của người miền Nam, vào dịp đầu năm mới, người ta ăn món khổ qua dồn thịt với mong ước mọi sự khổ cực, không vui sẽ qua đi và họ sẽ đón một năm đầy may mắn. Ngoài những món đặc trưng trên, tùy theo điều kiện, sở thích của mỗi gia đình, người ta có thể chuẩn bị thêm các món lạp xưởng, nem bì, chả lụa, củ kiệu chua ngọt, củ kiệu trộn tôm khô, thịt luộc cuốn bánh tráng… để lai rai khi có khách đến nhà chơi.
Ăn uống như thế nào cho khỏe?
Ngày tết vui vẻ, thoải mái nên nhiều người quan niệm cứ ăn uống “thả ga” vài ngày cũng chẳng có sao đâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều cũng có những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Hải Thượng Lãn Ông từng viết: “Có câu tham thực cực thân. Bệnh từng khẩu nhập ta cần phải kiêng. Muốn cho ngũ tạng được yên. Bớt ăn mấy miếng nhịn thèm hơn đau”. Trong những ngày tết, đâu đâu cũng thấy đồ ăn, thức uống. Thế nên, khi ăn uống, mọi người cần chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm, không quá đà để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đối với người già, những người bị bệnh tim mạch không nên ăn quá no, quá nhiều những thức ăn khó tiêu, nhất là vào buổi tối vì dễ xảy ra tai biến nguy hiểm. Với người bị bệnh đái tháo đường, nên hạn chế ăn các món xôi nếp, bánh chưng, bánh tét vì có thể làm tăng đường huyết. Những người bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch cũng nên hạn chế các món chứa nhiều mỡ và cholesterol như thịt mỡ, xúc xích, lạp xưởng, lòng đỏ trứng. Các loại dưa món, cải chua, mắm các loại, cá khô, chả lụa, xúc xích, lạp xưởng… thường chứa nhiều muối nên ăn có chừng mực vì chúng có thể là nguyên nhân dẫn đến tai biến về mạch máu não do tăng huyết áp. Với người thừa cân, béo phì, không muốn tăng cân cần chú ý khống chế mức năng lượng nạp vào, đặc biệt là đối với bánh chưng, thịt mỡ, giò heo, bánh ngọt, nước ngọt.
Ngày tết với những món ăn chế biến sẵn như giò chả, bánh chưng, thịt kho, bánh mứt… rất dễ bị ôi thiu hư hỏng. Nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Để phòng chống ngộ độc thức ăn có hiệu quả, không nên mua dự trữ quá nhiều thực phẩm trước tết. Đối với những loại thức ăn nguội, chế biến sẵn như thịt kho, giò lụa, nem chua, bánh tét, lạp xưởng, các món xôi, gỏi, dưa muối… cần kiểm tra cẩn thận trước khi dùng. Nếu nghi ngờ có các dấu hiệu ôi thiu, hư hỏng thì không nên dùng.
Rượu bia là thức uống góp phần cho những cuộc vui gặp gỡ thêm phần sôi nổi, tuy nhiên chỉ nên uống ở một chừng mực nhất định. Rượu khi vào cơ thể sẽ được hấp thu rất nhanh vào máu, đến các tổ chức, kích thích hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch. Do đó, nếu uống quá nhiều, có thể dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hay gây tai nạn giao thông khi đi đường. Bác sĩ Lê Thị Kim Loan, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, rượu thường chứa ethanol - là chất ức chế gây suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh.
Vì thế, uống rượu nhiều sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Để phòng ngừa ngộ độc rượu, khi uống nên chọn rượu có thương hiệu uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ nên uống với một lượng vừa phải. Tuyệt đối không uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp; rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên không nên uống vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc trị bệnh. Các bác sĩ cũng khuyên rằng, người mắc các bệnh như viêm gan, loét dạ dày hay đang uống thuốc... tuyệt đối không được uống rượu bia trong những ngày tết. Người bị bệnh rối loạn mỡ máu, nếu uống rượu bia nhiều làm cho tình trạng nhiễm mỡ máu nhanh chóng tăng lên sẽ thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, đặc biệt là động mạch vành và động mạch não dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mặt khác rượu bia cũng gây ra tăng huyết áp ở những người có sẵn bệnh.
Để hạn chế các vấn đề về tiêu hóa trong dịp tết, theo lời khuyên của các chuyên gia, sữa chua là một lựa chọn lý tưởng. Sữa chua bổ sung men vi sinh, giúp hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất béo, giải thoát hệ tiêu hóa khỏi tình trạng quá tải thường thấy dịp tết. Bên cạnh đó, cần chú ý bổ sung rau xanh, trái cây trong những bữa ăn. Chúng vừa dùng để trang trí cho mỗi món ăn thêm phần hấp dẫn, vừa làm đồ tráng miệng lợi cho sức khỏe.
CẨM LÝ