“Sống khỏe” nhờ làm hàng FOB
Dù ngành dệt may đang gặp không ít khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sống khỏe, đạt lợi nhuận khá cao nhờ làm hàng FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm hàng gia công).
Sản xuất may hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Garmex Sài Gòn
Tỉ lệ lợi nhuận cao, việc không thiếu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được do làm hàng FOB đòi hỏi phải hội đủ nhiều điều kiện khắt khe, từ công nghệ đến nhân lực, quy trình chuẩn hóa...
Lợi nhuận “khủng” từ FOB
9g sáng, hơn 30 nhân viên phòng thiết kế mẫu của Công ty Garmex Sài Gòn dán chặt mắt vào máy vi tính để thiết kế rập cho mẫu áo jacket có độ phức tạp khá nhiều. Cạnh đó là xưởng sản xuất mẫu, nhân viên thiết kế Đỗ Thị Thúy Oanh đang hướng dẫn kỹ thuật may cho nhân viên Đặng Thị Hồng Lâm ở những chỗ khó của mẫu áo jacket nỉ do thương hiệu Columbia (Mỹ) đặt 70.000 sản phẩm, trị giá khoảng 400.000 USD chuẩn bị giao hàng từ tháng 10-2012 trở đi. Quy trình này nằm trong tổng số 24 bước quy chuẩn cho một hợp đồng theo phương thức FOB mà Garmex Sài Gòn đã làm hơn tám năm qua.
Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn, cho biết tỉ lệ thực hiện FOB hiện chiếm hơn 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ước năm 2012 lên đến 45 triệu USD, lợi nhuận trước thuế ước thu về xấp xỉ 60 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu so với tỉ lệ FOB thực hiện năm 2004 chỉ ở mức 5%, lợi nhuận trước thuế chưa đến 10 tỉ đồng, đủ thấy lợi nhuận mang lại từ FOB cao như thế nào” - ông Hùng nói.
Ở Tổng công ty CP may Nhà Bè (NBC), ông Phạm Phú Cường - tổng giám đốc NBC - ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của NBC khoảng 420 triệu USD, trong đó tỉ lệ thực hiện theo đơn hàng FOB chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đạt được. “Cách đây bảy năm, NBC chỉ thuần làm gia công. Nhưng với xu hướng phải đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của khách đặt hàng, việc bắt buộc phải chuyển dần sang làm FOB gần như không thể tránh khỏi. Không ai phủ nhận lợi ích tạo ra từ các hợp đồng theo phương thức FOB. Vấn đề là doanh nghiệp phải biết nắm bắt và tận dụng cơ hội này như thế nào để chuyển hóa thành lợi nhuận tối ưu” - ông Cường nhận xét.
Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sài Gòn 3, nếu gia công một chiếc quần kaki có giá trung bình khoảng 1,6 USD thì khi nhận hợp đồng theo giá FOB, giá một chiếc quần cùng chủng loại vải này có thể lên đến 10 USD. Theo tính toán của ông Hồng, nếu một doanh nghiệp có hợp đồng gia công 100.000 quần, số tiền thu được 160.000 USD, chỉ đủ chi trả lương công nhân cùng các chi phí phục vụ việc sản xuất, “dứt khoát không có lời và không hề có khoản nào bù cho việc khấu hao máy móc thiết bị” - ông Hồng khẳng định.
Cũng với hợp đồng 100.000 quần nhưng được thực hiện theo phương thức FOB, sau khi trừ các chi phí cần thiết tổ chức cho việc sản xuất, tính luôn cả phần trả lương cho công nhân, “lợi nhuận tối thiểu doanh nghiệp có thể thu về từ 25.000-50.000 USD. Doanh nghiệp nào giỏi trong khâu tính toán giá nguyên phụ liệu, hoặc chủ động chào sản phẩm bằng chính thiết kế của mình thì lợi nhuận thu về sẽ cao hơn” - ông Hồng chia sẻ.
Làm hàng FOB không dễ
Đây là khẳng định của hầu hết doanh nghiệp đã hoặc đang thực hiện hợp đồng theo phương thức này, dẫu xét về mặt giá trị gia tăng mang về, phương thức FOB có tính hiệu quả cao gấp nhiều lần so với phương thức may gia công.
“Muốn làm được FOB, doanh nghiệp không chỉ có nguồn lực lớn về mặt tài chính để mở L/C mua nguyên phụ liệu, có hạ tầng cơ sở sản xuất đạt chuẩn quốc tế, mà còn phải có một đội ngũ chuyên nghiệp từ khâu chào giá, đàm phán giá khách đặt hàng đến tổ chức sản xuất để ra được sản phẩm hoàn chỉnh” - ông Hùng chia sẻ. Tại Garmex Sài Gòn, chỉ để phục vụ công tác “hậu cần” trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, ước có đến 300 nhân viên chia đều cho 24 khâu thuộc quy trình thực hiện đơn hàng xuất khẩu theo giá FOB do công ty lập nên, trong khi khách đặt hàng bây giờ chỉ gửi duy nhất hình ảnh của mẫu sản phẩm họ muốn làm qua email cho nhà sản xuất.
Theo ông Phạm Phú Cường, dù hiệu quả rõ ràng tăng giá trị gia tăng, tạo được lợi nhuận tích lũy, có được hợp đồng với số lượng đặt hàng lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được hàng FOB. “Quan trọng nhất sau yếu tố tài chính chính là nguồn lực. Vì nếu doanh nghiệp không có nhiều nhân viên giỏi nghiệp vụ, không thông thạo ngoại ngữ, hạ tầng sản xuất không đủ sức đáp ứng mọi tiêu chuẩn rất khắt khe của các nhà đặt hàng quốc tế, thì tự thân doanh nghiệp rất khó thoát khỏi cảnh gia công” - ông Cường nhận định.
Ngoài ra, theo ông Hùng, với xu hướng giá đơn đặt hàng không thể tăng trong bối cảnh nhu cầu đặt hàng toàn cầu suy giảm, việc cần có sự đồng thuận để chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công sang FOB đòi hỏi rất lớn về mặt nhận thức của người cầm lái doanh nghiệp. “Bởi khi đã có chiến lược và mục tiêu phát triển sản xuất cụ thể, chắc chắn việc phải thay đổi mô hình sản xuất là điều không thể cưỡng lại” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, để có được hợp đồng FOB mang lại hiệu quả thật sự, điều cốt lõi là các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm nguồn cung nguyên phụ liệu, chứ không đơn thuần lệ thuộc vào sự chỉ định của nhà đặt hàng như cách phổ biến hiện nay.
Khi đó, các doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu được rủi ro cho mình trong quá trình tổ chức sản xuất mà còn gia tăng lợi nhuận nhờ cân đối hàm lượng nguyên phụ liệu sao cho phù hợp với quy trình, công nghệ sản xuất. Ngoài ra, nếu chủ động trong quá trình thiết kế, phát triển sản phẩm, thay vì chỉ làm theo kích thước, tiêu chuẩn mẫu sẵn do nhà đặt hàng cung cấp, doanh nghiệp cũng tăng được tỉ lệ lợi nhuận.
Theo TTO