Sống được với nghề sơn mài
(BDO) Tuy không còn ở thời vàng son như trước nhưng làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh hàng ngày, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương cũng như xa quê đến lập nghiệp.
Chị Đoàn Thị Mỹ Xuyên đi nét trang trí bình sơn mài
Còn nhớ, khoảng những năm 2000, rất nhiều cửa hàng sơn mài quy mô lớn được mở trưng bày và kinh doanh dọc Quốc lộ 13 và đoạn đường dẫn vào phường Tương Bình Hiệp. Theo đó, khách mua bán những sản phẩm sơn mài kinh doanh, làm quà tặng cũng rất tấp nập. Vì vậy, làng nghề sơn mài có rất đông nhân công làm việc miệt mài để kịp đưa sản phẩm đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Gần đây, nghề sơn mài có phần chững lại, quy mô thu hẹp dần nhưng nhiều cơ sở tại phường Tương Bình Hiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, quyết tâm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Chúng tôi ghé thăm Cơ sở sơn mài Định Hòa (phường Tương Bình Hiệp), nơi đây hiện có khoảng 20 nhân công làm việc các công đoạn để tạo nên một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh.
Chị Đoàn Thị Mỹ Xuyên, 35 tuổi, cho biết chị đã làm việc tại cơ sở này được 5 năm. Chị Mỹ Xuyên quê ở Kiên Giang, lấy chồng người Bình Dương và chọn tương lai của mình gắn với nghề sơn mài.
Theo chị, trước đây chị cũng làm nghề thủ công dát bạc, dát vàng rồi bén duyên với nghề sơn mài. Với sơn mài, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng cũng giúp chị trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Nguyễn Văn Thuận say sưa với bức tranh hoa sen
Em Nguyễn Văn Thuận, 21 tuổi, quê Cần Thơ, vừa tỉ mẩn sơn bức tranh hoa sen, vừa cho biết: “em lên TP.HCM làm công nhân sau đó được người quen giới thiệu đến cơ sở của ông Năm Tịnh nên làm luôn. Em được cho ở lại, có lương học việc nên rất yên tâm. Mới theo nghề này khoảng 3 tháng nhưng em rất thích bởi hồi trước khi còn đi học em đã rất thích nghề vẽ. Không có điều kiện học tiếp tại các lớp mỹ thuật, em vào đây vừa học vừa làm với mong muốn có cuộc sống ổn định, tự lo cho bản thân mình”.
Ông Trương Quan Tịnh, chủ cơ sở sơn mài Định Hòa trăn trở, một trong những cái khó hiện nay là tìm nguồn nhân lực cho nghề sơn mài. “Đây là một nghề truyền thống đặc thù, có tính nghệ thuật cao nên rất cần nhân lực biết về hội họa. Nghề này cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, trong khi sinh viên ngành mỹ thuật theo chuyên ngành sơn mài ngày càng ít. Thế nên, tại cơ cở của tôi truyền nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc luôn. Người đi trước dạy cho người đi sau vừa học, vừa làm rồi quen dần. Mức lương vừa làm vừa học việc là 250.000 đồng/ngày. Thợ chính thì tùy tay nghề nên mức lương cao hơn, khoảng 400.000 – 450.000 đồng/ ngày”.
Các bạn trẻ thích vẽ có thể vừa học nghề vừa làm sơn mài
Trong sách Địa chí Bình Dương có ghi rõ: “Ở Thủ Dầu Một, làng Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được hình thành khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nghề sơn mài truyền thống đã tồn tại ở đất Bình Dương trên dưới 200 năm, chủ yếu mang tính chất cha truyền con nối trong một làng nhất định. Với thời gian, từ chiếc nôi Tương Bình Hiệp, nghề sơn mài đã được lan tỏa khắp nơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. |
Nghề sơn ở tỉnh Bình Dương do những lưu dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung mang theo vào vùng đất mới trong quá trình khai hoang lập ấp. Quá trình hình thành nghề sơn ở tỉnh Bình Dương tương đồng, gắn bó mật thiết đến quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt tại địa phương.
Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, nghề sơn (nay là nghề sơn mài) ở tỉnh Bình Dương vẫn luôn được các thế hệ nghệ nhân, người thợ thực hành và lưu truyền cho đến hiện nay. Cách làm “cầm tay chỉ việc” người ngày truyền dạy cho người kia vẫn còn đến ngày nay.
Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này, TP.Thủ Dầu Một đã có chủ trương quy hoạch, xây dựng làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp. Với Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một”, hy vọng sẽ là động lực thúc đẩy phát triển làng nghề này. Đây cũng là cơ sở để có nhiều người đam mê nghề sơn mài sống được với nghề, tìm thấy niềm vui từ sự sáng tạo của mình để nghề sơn mài Tương Bình Hiệp trên đất Bình Dương còn lưu truyền mãi với thời gian…
Quỳnh Như