Son sắt một niềm tin - Bài 8
Bài 8: Ước hẹn Bình Dương
(BDO)
Mùa xuân đang về, mùa xuân của đất trời hòa quyện với sắc xuân Bình Dương sẽ là một bức tranh toàn mỹ, nhịp sống phồn vinh của công nghiệp và sự tĩnh lặng, bình yên của các giá trị văn hóa truyền thống vẫn song hành với nhau làm nên một Bình Dương rất Nam bộ nhưng cũng rất riêng mà ai nghe cũng đều tò mò, háo hức. Chúc Bình Dương tiếp tục phát triển và những người thân của tôi sớm được trở thành công dân của thành phố “đáng sống”.
Với chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, Bình Dương đã có những bước phát triển đột phá trong phát triển công nghiệp. Trong ảnh: Khu công nghiệp Sóng Thần, một trong những khu công nghiệp đầu tiên của Bình Dương. Ảnh: ĐÌNH HẬU
Vào những năm đầu của thập niên 80, khi ấy tôi còn nhỏ nhưng cũng có sở thích là sưu tầm, nhớ tên các địa danh trên đất nước Việt Nam ở sách báo và nghe kể chuyện. Có người nào thân quen đi đâu xa về bao giờ tôi cũng hỏi về vùng miền nơi đó, những tên tỉnh tôi đọc vanh vách từ Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh rồi Thuận Hải, Gia Lai - Kon Tum, Minh Hải, Hậu Giang… và cũng chỉ biết đến tên và nằm ở đâu trên bản đồ thôi, còn đặt chân tới thì chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Và một cái tên mà tôi ấn tượng nhất là tỉnh Sông Bé - Bình Dương, bởi thời đó, nhiều người quê tôi đi kinh tế mới, các giáo sinh mới ra trường vào đó công tác cũng có. Mỗi chuyến đi về thăm quê của họ trĩu nặng hành lý nhưng cũng trĩu nặng nỗi lo vì vất vả lắm, khó khăn lắm…
Khi lớn lên thành chàng trai mười tám đôi mươi - cách đây đã hơn 20 năm, tôi vào làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, cũng là mưu kế sinh nhai thôi thì lại hay được tới Bình Dương. Tôi đi tới các công trường khai thác đá, các lò gạch bụi bặm, đường sá chật chội, mỗi chuyến xe thường mất một buổi sáng vừa đi vừa về. Cũng có vài lần đi chơi thì loanh quanh tới Lái Thiêu hoặc núi Bửu Long. Trong tiềm thức của tôi, lúc đó khái niệm về kinh tế thị trường, về đầu tư, phát triển vĩ mô, vi mô… hoàn toàn mù tịt, chỉ biết ở đâu nhiều việc làm, thu nhập ổn định như Sài Gòn là được. Khái niệm giàu nghèo của tôi lúc bấy giờ chỉ đơn giản là nhiều nhà máy, nhiều nhà tầng, giao thông nhộn nhịp mà TP.Hồ Chí Minh vốn có sẵn những điều kiện đó.
Từ Sài Gòn sang Sông Bé là hai lãnh địa hoàn toàn khác nhau. Sông Bé khi đó thì cũng chỉ là một trong những tỉnh “thường thường bậc trung”. Người dân ở đây vẫn phải đi Sài Gòn, Đồng Nai kiếm việc làm thêm mà. Có vài khu thị tứ sầm uất một chút như khu vực Sóng Thần, có ga đường sắt và các đơn vị quân đội, hay Lái Thiêu, Thủ Dầu Một… cao su, ruộng lúa, đất hoang còn bạt ngàn. Khi ấy, khu vực miền Đông Nam bộ thì Đồng Nai đang phát triển với một vài khu công nghiệp, có quốc lộ 1 ngang qua tiện giao thương buôn bán lại gần Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau vài năm tôi chia tay với vùng đất miền Đông mang theo những ký ức về những chuyến xe bụi bặm đất đỏ.
Thời gian thấm thoắt qua đi, tôi đã theo ngã rẽ khác của cuộc đời, bằng lòng với những gì mình đang làm. Bạn bè, người thân thì trong đó vẫn còn nhiều và thỉnh thoảng qua trò chuyện thì nhận được thông tin người này chuyển nhà, chuyển công tác về Bình Dương, người kia đang xây nhà máy tại Bình Dương, và câu chuyện sốt dẻo vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi nghe nói Sông Bé - Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước trải thảm đỏ đón nhân tài. Điều mà hoàn toàn xa lạ với nhiều nơi và niềm mơ ước đến cháy lòng của những viên chức như tôi. Bình Dương bắt đầu thành tiêu điểm thu hút của nhiều người, nhiều địa phương về chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, những khu công nghiệp liên tiếp mọc lên. Những câu chuyện với bạn bè đồng nghiệp và người thân ở trong đó càng dài thêm trong mỗi lần gặp gỡ.
Năm 2012, trong một lần công tác vào TP.Hồ Chí Minh, tôi quyết định làm một chuyến thực địa tại Bình Dương vừa thăm người thân, vừa háo hức về khu du lịch mới nghe nói lớn nhất Việt Nam - Lạc cảnh Đại Nam và cũng vì muốn kiểm tra lại trí nhớ về những nơi mình đã đặt chân tới trước đây. Mãi câu chuyện trên con đường êm ái mà giật mình sao lâu tới Bình Dương. Suýt nữa tôi hỏi một câu ngớ ngẩn: “Sao Sài Gòn giờ mở rộng thế!” nếu không nhìn thấy cổng chào quả cầu pha lê. Té ra xe đã tới Bình Dương lâu rồi mà không phát hiện ra sự khác biệt giữa Sài Gòn và Bình Dương. Những con đường thảm nhựa thênh thang hun hút, những cao ốc, nhà máy, xí nghiệp mọc lên san sát…
Hỏi chuyện mấy ông bạn cũ nay đã vào Bình Dương: Sài Gòn đang làm ăn tốt vậy mà các ông lại chuyển về đây? Những người bạn nhìn tôi như người ngoài hành tinh và nói: Ở đây cơ chế thoáng lắm, nước ngoài còn vào làm ăn huống chi mình… Ừ nhỉ, cái này thì quê mình chưa có! Trong câu chuyện tản mạn với một người bạn trẻ tuổi đang làm việc ở Bình Dương về chính sách với người lao động, về các mặt văn hóa xã hội và hỏi luôn: Em thấy bộ máy lãnh đạo ở đây làm việc thế nào? Cô bạn tôi quả quyết: Đã lắm! Tôi không hỏi gì thêm bởi biết câu “đã lắm” của người Nam bộ là gì rồi. Qua câu chuyện tôi càng công nhận cô bạn trẻ có nhãn quan chính trị - xã hội khá sâu sắc. Điều này đã làm tôi rất thích và nhớ đến câu nói: “Làm lãnh đạo phải có tâm và tầm”. Chẳng thế mà xem tư liệu các kỳ Đại hội Đảng bộ Sông Bé - Bình Dương, thấy việc quán triệt và thực hiện nghị quyết đại hội của tỉnh đâu vào đấy, các mục tiêu đề ra đều hoàn thành và vượt, tập trung và nhất quán, tinh thần đoàn kết dám nghĩ dám làm… Tất cả đủ để nhận thấy sự lãnh đạo tài tình và khéo léo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Năm 2014, Bình Dương khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung, mà theo tôi được biết tỉnh không dùng đến ngân sách mà sẽ cân đối từ hoán đổi các trụ sở làm việc cũ. Lại là một câu chuyện để bàn tán bên bàn trà, cũng chỉ nghe tả và nhìn qua ảnh thôi rồi trầm trồ ao ước… Hè 2015, trong chuyến công tác ngắn ngày tại phía Nam, tôi định bụng sẽ xuống Bình Dương lần nữa để mục sở thị công trình tầm cỡ này nhưng điều kiện thời gian không cho phép mặc dù những người bạn của tôi tha thiết mời về thưởng thức trái cây và hứa sẽ đưa đi nhiều nơi thật đẹp. Thôi đành ước hẹn với Bình Dương và chắc chắn còn có dịp tôi trở lại mảnh đất này…
Mùa xuân đang về, mùa xuân của đất trời hòa quyện với sắc xuân Bình Dương sẽ là một bức tranh toàn mỹ, nhịp sống phồn vinh của công nghiệp và sự tĩnh lặng, bình yên của các giá trị văn hóa truyền thống vẫn song hành với nhau làm nên một Bình Dương rất Nam bộ nhưng cũng rất riêng mà ai nghe cũng đều tò mò, háo hức. Chúc Bình Dương tiếp tục phát triển và những người thân của tôi sớm được trở thành công dân của thành phố “đáng sống”. Xin được khép lại bài viết này với câu hát trong một ca khúc của nhạc sĩ Võ Đông Điền: “… Ôi ngỡ ngàng thăm lại Bình Dương, nghe mùa xuân như đến rất gần. Câu thơ vui nay đã ghép vần, trong từng con người như có hương xuân…”.
TRẦN NGỌC DOANH (tỉnh Nam Định)
(Bài dự thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Dương”)