Son sắt một niềm tin - Bài 6

Thứ bảy, ngày 30/01/2016

Bài 6: Bình Dương như một phần máu thịt không thể nào xa

(BDO)

 Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một nơi nào đó để thương để nhớ, để gắn bó tâm hồn và nâng bước ta đi. Với tôi, đó chính là Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương - mảnh đất thân thương hiền hòa, đang từng ngày thay da đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 Bình Dương xác định phát triển công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Công nhân nhà máy sản xuất vỏ xe tải ở TX.Tân Uyên đang vận hành máy. Ảnh: Q.CHIẾN

 Thủ Dầu Một những năm chiến tranh là một vùng đất cách mạng, nơi địa đầu tuyến lửa bị bom đạn cày xới, địch càn quét, nhưng luôn kiên cường, bất khuất, đã anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi nước nhà độc lập, cũng như nhiều vùng quê khác, Sông Bé vẫn là một tỉnh thuần nông lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại khi đó, ở cái thời bao cấp, mọi thứ đều được phân phối bằng tem phiếu, hàng hóa khan hiếm, sản xuất trì trệ… Mọi người không chỉ phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày, mà đời sống văn hóa tinh thần cũng chẳng khá hơn.

Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới đất nước, nhờ sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết của nhân dân, sau 30 năm đổi mới Bình Dương đã có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.

Vào thời điểm 1994-1995, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xây dựng các khu công nghiệp làm đòn bẩy gắn kết với quá trình đô thị hóa và tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Với chủ trương và chính sách đúng đắn, từ một khu công nghiệp ban đầu, đến nay, toàn tỉnh đã có 28 khu và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 10.000 ha. Các khu công nghiệp đã thu hút hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký sản xuất kinh doanh. Bình Dương đã trở thành một trong số những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước, với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm khá cao, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Đến với Bình Dương hôm nay, cảm nhận đầu tiên là bộ mặt hạ tầng kinh tế - xã hội đã khoác lên mình một tấm áo mới, đồng bộ hơn, khang trang hơn, hiện đại hơn. Các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, vươn rộng khắp tỉnh làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên được cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp. Các thị trấn, thị tứ phát triển mở rộng. Điểm nhấn mạnh đặc biệt là Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản với cơ sở hạ tầng đồng bộ, là bước đột phá xây dựng tỉnh thành đô thị văn minh, hiện đại.

Bình Dương đổi mới mang đến niềm vui phấn khởi cho mọi người. Cái bóng nghèo đói, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần đã tan biến. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc chảy tràn trên từng mái nhà, xóm phố. Toàn tỉnh đã xóa hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương, thu nhập bình quân đầu người đạt 72,3 triệu đồng. Những chiếc xe tay ga, điện thoại cảm ứng thông minh đã trở nên phổ biến; xe ô tô xuất hiện càng nhiều, những ngôi nhà mới mọc lên san sát, các trung tâm thương mại, điểm vui chơi, văn hóa giải trí nhanh chóng hình thành, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Ngẫm về những năm tháng khó khăn trước kia và nhìn vào thành quả phát triển bây giờ, lòng tôi hạnh phúc vô cùng. Bình Dương đã trở thành nơi đất lành chim đậu, mở rộng vòng tay chào đón mọi người đến sinh sống, làm việc. Với tôi Bình Dương như một phần máu thịt không thể nào xa.

Yếu tố quan trọng nhất mang đến thành quả đổi mới hôm nay, chính là con người. Người Bình Dương vốn hiền hậu, dễ thương dễ gần nhưng rất chính trực, dám nghĩ dám làm, có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; năng động, sáng tạo và linh hoạt trong thực thi chính sách, đã biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực phát triển. Điều mà tôi tâm huyết nhất, mong mỏi để Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng nếp sống văn hóa.

Mở rộng phát triển các khu công nghiệp, Bình Dương đã thu hút một lượng lao động lớn đến làm việc, lập nghiệp, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông trong các ngành nghề như: May mặc, giày da, điện tử, đồ gỗ, xây dựng… Khi bước vào thời kỳ hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng quốc tế, chủ trương của tỉnh đề ra là nâng cao chất lượng tăng trưởng, thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật, khoa học công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tạo môi trường sản xuất công nghiệp hiện đại và phát triển mạnh các loại hình dịch vụ…

Do đó, tôi cho rằng cần có nguồn lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Bên cạnh việc tạo lập môi trường đầu tư, phát triển thuận lợi để quá trình chuyển dịch, thu hút nhân lực trình độ cao tới làm việc, sinh sống, Bình Dương cần chú trọng phát triển có hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, chất lượng để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo của vùng. Đồng thời có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực của mình và chính sách hỗ trợ thu hút, giữ chân nhân tài như: Nhà ở, lương thưởng, môi trường làm việc, học tập.

Trong quá trình đô thị hóa, Bình Dương là tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch và giữ vững quy hoạch, có lợi thế không gian phát triển nên tránh được nhiều mặt trái, hạn chế của các đô thị cũ. Nếp sống văn hóa có khởi sắc, góp phần làm cho bộ mặt đô thị văn minh hơn. Tuy vậy, nếp sống văn hóa - văn minh đô thị ở Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: Lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, xả rác bừa bãi, vi phạm luật khi tham gia giao thông, tệ nạn xã hội nhất là ở khu vực giáp ranh, sự tùy tiện trong văn hóa cộng đồng… đang diễn ra nhiều nơi, gây ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo đô thị, mà nguyên nhân cơ bản là do yếu tố con người.

Do vậy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; xây dựng các chuẩn mực đạo đức văn hóa con người mới; thực thi pháp luật về trật tự đô thị nghiêm minh. Đối với mỗi người dân - chủ thể của xã hội, phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện các chuẩn mực văn hóa, sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng người khác để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại hơn.

Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại không chỉ là đòi hỏi tất yếu mà còn là niềm mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh và những người yêu mến mảnh đất này. Với truyền thống anh hùng cách mạng trong kháng chiến, với sự năng động sáng tạo trong đổi mới, chúng ta tin tưởng rằng, Bình Dương sẽ sớm hoàn thành mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương trong một tương lai gần.

 Bài dự thi tìm hiểu “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Dương”

NGUYỄN THỊ QUYỀN (Thủ Dầu Một)