Sơn Ca, đảo xanh sóng vỗ
Có đến đảo Sơn Ca, một trong những đảo của quần đảo Trường Sa mới thấy hết ý chí, bản lĩnh Việt Nam trước sự khắc nghiệt của biển khơi, âm mưu của các thế lực nước ngoài. Vượt lên tất cả, đảo Sơn Ca vẫn xanh mượt một màu quê hương xứ sở giữa ngàn trùng biển khơi, là lời khẳng định đanh thép cho chủ quyền ngàn năm bền vững của đất nước Việt Nam…
(BDO)
Đảo xanh Sơn Ca hiên ngang canh giữ đất trời Tổ quốc. Ảnh: K.VINH
Lãng mạn như tên một loài chim
Từ ngàn năm trước, đảo Sơn Ca đã ghi dấu chân đầu tiên của ngư dân người Việt. Họ ra khơi đánh bắt cá và lên đảo tìm nước ngọt cho những chuyến đi biển dài ngày. Đến triều nhà Nguyễn, các đội binh phu đầu tiên được cắt cử ra giữ đảo. Tháng 7-1973, quân đội Việt Nam cộng hòa đóng giữ đảo trong một thời gian ngắn cùng với các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Rạng sáng ngày 25-4-1975, đặc công hải quân đi trên tàu 641 của Lữ đoàn 125 Hải quân đổ bộ đóng giữ đảo Sơn Ca.
Chiến sĩ đi tuần tra trên đảo Sơn Ca. Ảnh: K.VINH
Tôi đã được nghe kể lại rằng, những ngày đầu giải phóng đảo, giữa mùa khô cỏ cây cháy nắng trên đảo vắng lặng không một bóng người. Các chiến sĩ ta kiên cường giữ đảo, lập lán trại ngày đêm canh giữ, cảnh giác trước âm mưu đổ bộ xâm phạm chủ quyền của một số nước trong khu vực, theo mật lệnh chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở nơi ngày ngày chỉ toàn là sóng biển và ánh nắng chói chang dễ mang lại cho con người cảm giác trống vắng, buồn tẻ. Bỗng dưng có một ngày, trên những cành cây phong ba giữa đảo xuất hiện đôi chim rất lạ hót líu lo ra chừng rất vui vẻ.
Kể ra, đó là điều lạ! Bởi giữa ngàn trùng biển khơi, đảo nằm trơ trọi giữa mênh mông trời biển sao lại có chim đến trú ngụ. Không lẽ, chim có thể vượt đại dương bay ra đến tận đảo? Lạ hơn ở chỗ, những ngày sau đó có thêm hàng trăm đôi chim khác tìm về đảo và xây tổ sinh sống. Một chiến sĩ trong đoàn có kinh nghiệm nhận định loài chim lạ kia chính là chim Sơn Ca. Loài chim Sơn Ca với đặc tính bản năng của mình, luôn đi thành đôi. Chúng tìm đến đảo xây tổ ấm rồi lại sinh trưởng ở nơi này, khi chim non trưởng thành cũng là lúc đàn chim Sơn Ca lại di cư đi nơi khác, không quên hẹn mùa sau trở lại. Từ đó, người ta lấy tên của loài chim này đặt cho tên đảo Sơn Ca.
Hiên ngang canh giữ đất trời Tổ quốc
Đoàn công tác chúng tôi đến Sơn Ca vào một ngày có giông lớn. Biển động, từng đợt sóng cồn ầm ầm ập vào thềm san hô quanh đảo, bọt tung trắng xóa. Từ tàu 996 nhìn về phía đảo khó có thể kìm nén được cảm xúc tự hào trào dâng trong lòng mỗi người. Giữa cơn giận dữ của đất trời, đảo Sơn Ca vẫn hiên ngang đứng vững, xanh mượt một màu tốt tươi.
Bên cạnh những cây bản địa như bàng vuông, phong ba, bão táp, tra…, đảo Sơn Ca còn có một số cây đặc trưng như xoài biển, mù u, vốn chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vài năm gần đây, nhờ cải tạo đất tốt và đất mang ra từ đất liền khá nhiều, trên đảo Sơn Ca còn xuất hiện nhiều loại cây trồng giống ở đất liền như chuối, ổi, mãng cầu, mít... Dù ở vùng có gió biển mạnh quanh năm nhưng nhờ có nhiều cây lớn che chắn xung quanh nên rau xanh, cây ăn trái ở đảo Sơn Ca phát triển xanh tốt.
Cùng với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Nằm trong cụm đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca phối hợp với các đảo khác chống lại sự chiếm đóng xen kẽ của các lực lượng nước ngoài, góp phần tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Những ngày trên đảo Sơn Ca chúng tôi không thể nào quên hình ảnh của khuôn viên vườn cây Võ Nguyên Giáp. Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, nối tiếp truyền thống, ý chí và tinh thần bất khuất của ông, cán bộ và chiến sĩ Lữ đoàn 146 canh giữ đảo Sơn Ca vô cùng thương nhớ đại tướng nên đã quyết định thành lập khuôn viên này.
Ở đảo, mọi điều kiện để trồng một cây, nuôi một con vật rất khó khăn, huống chi là khuôn viên với nhiều loài cây trồng khác nhau. Ấy thế mà ròng rã hơn 1 năm trời, cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn miệt mài góp từng nắm đất, nâng niu từng ngọn cây, cái lá để khuôn viên Võ Nguyên Giáp xanh tươi, rợp bóng cây, hoa. Khuôn viên nhỏ thôi, độ vài chục mét vuông nhưng có đầy đủ loài cây đặc trưng của đảo như bàng vuông, phong ba, mù u…; lại có những loài cây được gửi ra từ đất liền với bao tình cảm yêu thương, quý mến như mít, sa kê, dừa… Đó không chỉ là một mảng xanh cho đảo xanh thêm nữa mà còn là một minh chứng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.
Trung tá Ngô Xuân Lệ, chính trị viên đảo Sơn Ca xúc động cho biết: “Khuôn viên Võ Nguyên Giáp chính là một biểu tượng cho tấm lòng bao thế hệ người lính hải quân đảo Sơn Ca. Chúng tôi luôn giữ vững lập trường trước mọi khó khăn, thử thách của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trước những hành động khiêu khích của các lực lượng nước ngoài. Trong khó khăn, ý chí của người lính hải quân luôn kiên định. Khuôn viên Võ Nguyên Giáp cũng là lời nhắc nhở cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca luôn hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mà đất nước, nhân dân giao phó”.
Tạm biệt Sơn Ca, đảo xanh giữa ngàn khơi sóng vỗ, mảnh đất thiêng liêng mà lãng mạn như trong những câu chuyện về tình yêu của người lính biển. Tôi thầm ước có một ngày được trở lại đảo, cũng kiên gan bám trụ đất trời với người lính hải quân Việt Nam. Và rồi, ai cũng như tôi thôi, đã ra đến Trường Sa, đến với Sơn Ca dẫu chỉ một ngày cũng khó lòng thôi lưu luyến…
LÝ KHÁNH VINH