Sôi nổi hoạt động văn hóa thể thao trong ngày Quốc khánh 2-9

Thứ tư, ngày 02/09/2015

(BDO)

 (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Đúng ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9), ngày mà người dân ở nhiều địa phương trong cả nước coi là ngày Tết độc lập, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã diễn ra sôi nổi, hào hứng trên nhiều địa phương trên cả nước

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương, thành phố Huế thu hút hàng vạn người dân và du khách đến xem.

Sự nhộn nhịp, rạng ngời sức sống đôi bờ sông Hương gợi nhắc không khí hào hùng lịch sử cách mạng cách đây 70 năm khi hàng vạn người dân trong tỉnh tụ hội về đây chứng kiến cảnh Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng, tiến tới Quốc khánh 2-9, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa.

Năm nay, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương có hơn 200 vận động viên, gồm 10 đội đua nam và 10 đội đua nữ, đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đội tranh tài ở nhiều nội dung thi khác nhau, bao gồm hai vòng bốn tráo, ba vòng sáu tráo…

Điểm xuất phát cuộc đua bắt đầu từ công viên Lý Tự Trọng, các đội lần lượt đua vượt vòng vè giữa sông Hương, đoạn trước Phu Văn Lâu và cột cờ. Sau đó, các tay đua lần lượt tiến về điểm vè tại cầu Dã Viên và cầu Phú Xuân.

Tại các điểm vè, người dân neo đậu hàng chục chiếc thuyền cổ vũ cho các đội đua.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trong ngày 2-9, trên sông Hương đã trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo từ bao đời nay của cư dân vùng sông nước Thừa Thiên-Huế. Ngoài cầu cho mưa thuận gió hòa, lễ hội còn là dịp để người dân tỏ lòng hân hoan, rèn luyện thân thể và đem lại nguồn vui cho nhân dân trong dịp mừng Quốc khánh hàng năm.

Dịp này, trên sông Hương còn có các hoạt động thả đèn hoa đăng. Các địa điểm du lịch tâm linh như điện Hòn Chén, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, các lăng tẩm, đền đài, chùa cũng chuẩn bị chu đáo các phương án đón và phục vụ khách trong dịp lễ hội.

Ngoài việc bình ổn giá lưu trú tại các phòng nghỉ, các nhà hàng, khách sạn ở Thừa Thiên-Huế đã chuẩn bị thêm các điểm vui chơi và các món ăn ngon, đặc trưng của Huế như bún bò giò heo, cơm hến, các loại bánh khoái, bánh bèo, bánh bột lọc, chè, đồ nướng... phục vụ người dân và khách du lịch trong dịp nghỉ lễ...

Trong khi đó tại Đà Nẵng, trên sông Hàn cũng đã diễn ra Giải đua thuyền truyền thống thành phố Đà Nẵng Cup VTV Đà Nẵng 2015 với sự tham gia của 14 đội (7 đội nam và 7 đội nữ) đến từ các đội đua thuyền thuộc các quận, huyện thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Các đội thuyền nữ tranh tài ở cự ly 5.000 mét và nam cự ly 7.500 mét, sử dụng thuyền composic của Ban tổ chức (thuyền nữ với số lượng 12 người và thuyền nam 22 người).

Kết quả chuyên môn, nhất nữ đội quận Hải Châu, nhì quận Thanh Khê, ba quận Ngũ hành Sơn đều của thành phố Đà Nẵng.

Về thuyền nam, nhất thuyền đội phường Hoà Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), nhì quận Hải Châu, ba quận Sơn Trà cũng đều của thành phố Đà Nẵng.

Giải đua thuyền truyền thống thành phố Đà Nẵng Cup VTV Đà Nẵng 2015 đã thu hút hàng ngàn lượt người xem đứng dọc hai bên bờ sông Hàn và cũng là ngày hội của những ngư dân vùng sông nước.

Tại Hà Giang, nơi có chòm Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ quốc, Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ hội khèn H'Mông lần thứ 3 tại chợ Phố cổ Đồng Văn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn Hoàng Xuân Thịnh cho biết lễ hội khèn H'Mông là lễ hội nhằm sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật nhạc cụ khèn H'Mông. Đây là một loại nhạc cụ giữ v ai trò trọng yếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của dân tộc H'Mông, là loại nhạc cụ thể hiện rõ nhất về tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc H'Mông.

Lễ hội khèn H'Mông được tổ chức còn là dịp để các nghệ nhân khèn H'Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn được giao lưu với nghệ nhân các địa phương trong và ngoài tỉnh Hà Giang đến tham gia, thông qua đó từng bước khôi phục và gìn giữ, bảo tồn giá trị nét đẹp nhân văn của cây khèn H'Mông.

Với chủ đề "Âm vang từ đá", màn khai mạc lễ hội khèn H'Mông đã thu hút hàng trăm nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên của huyện Đồng Văn.

Qua chương trình nghệ thuật đặc sắc này đã giúp đông đảo du khách trong và ngoài nước hiểu thêm ý nghĩa, lịch sử, xuất xứ của cây khèn H'Mông, các giai điệu khèn của đồng bào dân tộc H'Mông. Hiểu thêm nét khái quát nhất về lịch sử hình thành, tái hiện lại một không gian văn hóa đa dạng, đa sắc màu của đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống tại Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tại lễ hội khèn H'Mông năm nay, du khách không chỉ được thưởng thức các màn trình diễn của các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thi múa khèn với các điệu múa khèn cổ mà còn được hòa mình trong chương trình tái hiện lại phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số với các hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa, các gian hàng ẩm thực, trưng bày và bán sản vật địa phương, hay cùng đồng bào tham gia các trò chơi dân gian như đánh yến, đập bóng, đánh sảng, đẩy gậy, hát ống; được thưởng thức những pha dấu chọi đẹp mắt của hội chọi chim họa mi…

Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn trong ngày Tết độc lập năm nay, du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn; được hiểu thêm về phong tục tập quán, nét sinh hoạt riêng có của đồng bào dân tộc H'Mông.

Cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số đón Tết độc lập, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn nổi tiếng của Cao nguyên đá như thắng cố, đậu chúa, mèn mén, thịt bò khô, thịt lợn đen treo gác bếp, lẩu dê - những đặc sản thơm ngon mang đậm hương vị của núi rừng vùng cao Hà Giang./.

Theo TTXVN