Sôi nổi các hoạt động tôn vinh Ngày thơ Việt Nam

Thứ sáu, ngày 02/03/2018

(BDO) Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, nhiều nơi trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh thơ ca rất đặc sắc và ý nghĩa.


CLB thơ ca Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với tiết mục “Người đẹp Bình Dương” tại chương trình “Tôn vinh giá trị nhân văn dân tộc” do CLB thơ ca phường Phú Hòa tổ chức

Các hoạt động kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam năm nay được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 27-2 đến 2-3. Với chủ đề “Văn học đồng hành cùng đất nước”, Ngày thơ Việt Nam năm nay có nhiều hoạt động phong phú và đa dạng như: Hội thảo “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay”, Đổi mới tư duy tiểu thuyết”, thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ, giới thiệu thơ, triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968…

Riêng tại Bình Dương, vào tối 27-2, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức chương trình tôn vinh thơ Việt Nam với chủ đề “Đón xuân, mừng Đảng”. Chương trình diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ là hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các CLB thơ ca trong tỉnh tham gia. Đến với chương trình, bên cạnh những bài thơ bất hủ như: “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt, “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thi hữu và người yêu thơ trong tỉnh còn có dịp thưởng thức nhiều thi phẩm hay của các văn nghệ sĩ Bình Dương sáng tác như: “Đêm thơ Nguyên tiêu” của Trần Thanh Hải, “Đêm mộng Nguyên tiêu” của Trăng Khuyết, “Bâng khuâng bông tím lục bình” của Võ Thị Nhạn, “Khúc ca mùa xuân” của Bùi Hải Phong, “Tìm” của Mai Thu Hồng, “Chiều nghĩa trang” của Trần Văn Đôn, “Tự tình tháng giêng” của Nguyễn Văn Ân… Xen kẽ trong các tiết mục diễn ngâm thơ là các tiết mục biểu diễn các ca khúc được phổ nhạc từ thơ như: “Em yêu đất Thủ quê mình” của Phạm Thanh Phong phổ nhạc từ thơ của Phương Lan, “Mẹ ơi rau đắng ngày xưa” của Phạm Minh Thuận phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Bạch Huệ, “Nhớ xuân xưa” của Lệ Hồng phổ nhạc từ thơ của Kim Ngoan, “Cỏ hoa mùa xuân” của Mai Quảng phổ nhạc từ thơ của Lê Minh Vũ…

Cũng với tinh thần yêu thơ nhạc ấy, các chương trình giao lưu thơ ca tại các huyện, thị, thành phố và tại các phường, xã trong tỉnh đã diễn ra rất sôi nổi. Với chủ đề “Tiếng thơ Nguyên tiêu”, chương trình giao lưu thơ ca tại TX.Thuận An đã thu hút sự tham gia của 9 đơn vị đến từ các CLB thơ ca, CLB thơ Việt Nam trong tỉnh và các quận lân cận của TP.Hồ Chí Minh. Còn chương trình giao lưu thơ ca do CLB thơ ca phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) tổ chức đã thu hút 7 đơn vị là các CLB thơ trong tỉnh tham gia. Với chủ đề “Tôn vinh giá trị nhân văn dân tộc”, chương trình đã góp phần tôn vinh giá trị nhân văn, làm thăng hoa giá trị minh triết của thơ ca và văn hóa Việt Nam. Đến với chương trình giao lưu thơ ca tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, ngày 1-3, đông đảo thi hữu và người yêu thơ trong và ngoài tỉnh đã có những phút giây thưởng thức thơ nhạc đặc sắc và ý nghĩa. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ, diễn ngâm thơ chào mừng của CLB thơ ca, CLB thơ Đường và CLB thơ Việt Nam thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, là các tiết mục giao lưu thơ, ca múa nhạc với 10 đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Với nhiều hoạt động tôn vinh Ngày thơ Việt Nam trong dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, công chúng đã có dịp hiểu thêm về sự đa dạng, phong phú trong hoạt động thơ ca ở Bình Dương. Đặc biệt, thông qua các hoạt động, các bài thơ tự sáng tác, các CLB thơ ca trong tỉnh đã tích cực quảng bá hình ảnh đất và người Bình Dương với các đơn vị tỉnh, thành phố bạn.

THỤC VĂN