Soạn giả Nhị Kiều - Nghệ sĩ Tám Vân: Nỗ lực trong gian khổ
Kỳ 2: Nỗ lực trong gian khổ
> Kỳ 1: Đôi tri kỷ trên con đường nghệ thuật
Cả một đời gắn bó với tuồng, với sân khấu cải lương (CL), đó không chỉ là niềm say mê mà còn như cái nghiệp đối với vợ chồng soạn giả Nhị Kiều - nghệ sĩ Tám Vân. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, cuộc sống nay đây mai đó nhưng đôi tri kỷ trên con đường nghệ thuật ấy vẫn tìm tòi và gắn bó đến cuối đời với tuồng và CL.
Cuộc đời như một vở diễn
Là người con gái vùng đất Bến Tre, xứ Nam bộ nên không lạ gì khi soạn giả Nhị Kiều say mê môn nghệ thuật CL. Cũng chính CL đã vô tình làm sợi tơ hồng kết thành đôi giữa bà và nghệ sĩ CL nổi danh lúc bấy giờ - nghệ sĩ Tám Vân. Vào những năm sau chiến tranh 1954-1955, người dân còn lo đi kiếm cái ăn cái mặc, chỉ những nghệ sĩ sân khấu ngày ngày tô son đánh phấn biểu diễn khắp nơi nên thành ra bị ác cảm. Vì thế mà cha soạn giả Nhị Kiều không ủng hộ cuộc hôn nhân này.
Thuở sinh thời, trong ngôi nhà nhỏ ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An,bà Nhị Kiều thường ngồi viết kịch bản cải lương
Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, có học thức nên về sau bà dần học cách soạn tuồng, học cách viết và ca cổ nhạc với sự giúp đỡ của chồng. Từ đó, sân khấu CL đã có thêm một soạn giả tài năng là phụ nữ như bà. Từ nghề may rẽ sang làm soạn giả sân khấu nên việc bị đố kị, ganh ghét là điều không tránh khỏi. Phải có lòng yêu nghệ thuật CL sâu đậm, can đảm bước qua dư luận, những điều tiếng của xã hội thì bà Nhị Kiều mới có thể sống chết được với nghề. Thời gian đầu bà chủ yếu tự mày mò học soạn tuồng rồi hợp soạn với những tên tuổi lớn như: Với soạn giả Nguyễn Phương: Hoa đồng cỏ nội, Phụng Kiều Lý Đáng, Đợi ánh bình minh… Với soạn giả Hoa Phượng: Khói sóng tiêu tương, Tấm lòng của biển, soạn giả Thế Châu: Qua cầu đắng cay, Mùa thu lá bay, Tình anh Bảy Chà... Mãi đến năm 1990 bà mới độc lập sáng tác, khẳng định tên tuổi của mình như bao soạn giả khác đang hành nghề và tồn tại được với nghề. Sau năm 1975, bà đã sáng tác các kịch bản: Hoa cẩm chướng, Huyền thoại một chuyện tình, Vết thương kỷ niệm, Vị đắng lá sầu đâu, Trăng nước Lạc Dương Thành, Người khách thương hồ, Nửa đêm chợt tỉnh, Lòng người bạc đen, Truyền thuyết tình yêu… Trong đó không thể không nhắc đến hai tác phẩm nổi tiếng của soạn giả Nhị Kiều là Mùa thu lá bay và Truyền thuyết tình yêu, góp phần đưa tên tuổi NSƯT Bạch Tuyết (vai Hàn Ni), cố NSƯT Minh Phụng (vai Văn Lâu), NSƯT Vũ Linh (vai Phi Cát)... lên đỉnh cao nghệ thuật ca diễn. Khi video tuồng được ưa chuộng, đáp ứng theo thị hiếu khán giả những vở hợp soạn của bà cũng dần làm thành video, thế nhưng có lúc tên soạn giả Nhị Kiều lại không được viết cùng vào. Biết là vậy nhưng bà lại không ăn thua thiệt hơn với ai, bà vẫn hàng ngày cặm cụi ngồi soạn tuồng với niềm say mê vô bờ bến.
“Khi gánh hát không đông thì lương đâu được bao nhiêu. Có bữa trời mưa cũng phải mặc áo mưa đi, lỡ gánh hát diễn thì sao? Mẹ đâu có ở nhà được. Có lúc lên tới rạp hát không bán vé được phải nghỉ đi về. Tuy tiền bạc có lúc eo hẹp nhưng mẹ luôn lo toan tươm tất cho cả tuồng hát” - cô Lê Ngọc Xuân, con gái thứ 5 của soạn giả Nhị Kiều kể lại. Cả gia đình soạn giả Nhị Kiều không ai theo con đường nghệ thuật. Thế nhưng như cái duyên, cái nợ khiến cuộc sống của bà luôn gắn với ánh đèn sân khấu. Mấy mươi năm bà cùng chồng - nghệ sĩ Tám Vân ngược xuôi khắp nơi với gánh hát để mưu sinh. Cống hiến cho nghệ thuật, lao động miệt mài vì nghệ thuật vậy mà vợ chồng soạn giả Nhị Kiều - Tám Vân vẫn chưa có được căn nhà nương thân đúng nghĩa. Đời nghệ sĩ coi gánh hát như là nhà. Khi gánh hát tan rã cả gia đình soạn giả Nhị Kiều phải gồng gánh nhau đi ở nhờ người quen. Từ Vĩnh Long đến quận Phú Nhuận (TP.HCM) sống tá túc, thiếu thốn vật chất nhưng soạn giả Nhị Kiều dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn có thể viết, viết nhiều và rất nhanh... “Người ta lúc sáng tác còn đòi hỏi không gian này nọ, thuê khách sạn, chỗ ngồi phải đẹp… Mẹ tôi không cần mấy thứ đó, chỉ cần cây viết với cuốn tập thì chỗ nào, thời gian nào mẹ cũng có thể viết được hết. Có khi người ta mới tới đặt hàng, chỉ cần nói sơ sơ ý định là mẹ có thể viết sơ lược bản thảo luôn rồi. Khách hài lòng thì mẹ mới viết chi tiết, hoàn chỉnh”, cô Xuân kể tiếp.
Năm 1959, soạn giả Nhị Kiều được nghệ sĩ Phùng Há giới thiệu cho bà bầu Thơ - đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Nhờ tài năng thực thụ mà bà trở thành soạn giả chính của đoàn. Lương y Lương Bình (kịch tác gia Quốc Bình) cho biết: “Bà Nhị Kiều hay viết theo lối văn xưa, tác phẩm của bà thiên về đề tài tâm lý xã hội, luôn có nhân - quả vì bà bị ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Đoạn kết lúc nào cũng có hậu nên những người lớn tuổi người ta coi người ta thích”. Với con mắt nghệ thuật, sự nhạy cảm trong từng ca từ nên đã có thời gian khi bầu Thơ mang đoàn sang Pháp lưu diễn, chỉ chọn duy nhất soạn giả Nhị Kiều theo cùng. Suốt quãng thời gian làm việc ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga soạn giả Nhị Kiều còn được bà bầu Thơ cho đặc quyền lựa chọn tuồng hát.
Một video cải lương do Nhị Kiều làm soạn giả
Ra đi trong thanh thản
Cuộc sống nghệ sĩ vốn dĩ bèo bọt, sống bữa nay chưa chắc lo được ngày mai. Nhiều năm qua, soạn giả Nhị Kiều là trụ cột chính trong nhà, khi nghệ sĩ Tám Vân không còn đủ sức khỏe đi diễn thì chính bà lo toan mọi thứ của gia đình. Từng bữa ăn đến thuốc men cho nghệ sĩ Tám Vân bà đều sắp xếp chu tất. Tâm hồn nghệ sĩ vốn hay đa cảm, cuộc sống cả gia đình soạn giả Nhị Kiều còn nhiều khó khăn, cả nhà sống trong căn gác nhỏ đi thuê ở thành phố nhưng khi bạn bè có ý muốn tá túc là bà lại sẵn sàng ngay. Cô Lê Thị Hạnh, con gái thứ 4 trong gia đình tâm sự: “Mẹ sống anh hùng lắm, lúc còn ở trọ trên Phú Nhuận ngày nào bà bán thịt bán ế mang đến nhà mời mua là mẹ đều mua hết. Bữa nào cũng có nguyên nồi thịt kho trong nhà. Nhiều khi thấy bạn bè khó khăn, trong người có nhiêu tiền là cho mượn liền. Hoàn cảnh còn khó khăn, thiếu thốn vậy chứ mẹ rất hay giúp đỡ người khác”.
Nhiều người mang trong mình phận nghệ sĩ, cuộc sống hào hoa trước mắt nhưng về già lại sống trong cảnh cô đơn, không nơi nương tựa. Với soạn giả Nhị Kiều thì chính cái tâm, cái tình với nghề, với mọi người xung quanh nên khi đã ở tuổi xế chiều bà được sống thanh thản trong sự yên bình với con cháu. Bà sống nhưng không hưởng thụ, dù cho ngồi hay phải nằm thì vẫn viết vẫn sáng tác. Không chỉ là một soạn giả tài ba, bà là một người vợ đảm đang, nghĩa tình, chung thủy. Bà đã tận tâm, tận sức chăm sóc cho nghệ sĩ Tám Vân cho đến những năm tháng cuối đời. Nặng nợ với nghệ thuật sân khấu nên cho dù chỉ còn 3 ngày nữa ra đi vĩnh viễn nhưng bà vẫn còn miệt mài sáng tác để lại cho đời những tác phẩm hay.
ĐỖ TUÂN – LAN HƯƠNG