Sở Tài nguyên và Môi trường: Tự hào chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển
(BDO) Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương thành lập vào năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường (BVMT) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường. Qua 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống tổ chức bộ máy của Sở TN&MT liên tục được củng cố, kiện toàn hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.
Kết quả tích cực
Trên chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TN&MT đã luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tham mưu ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch mang tầm chiến lược của tỉnh và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2003 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu tỉnh ban hành 224 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.
Các đơn vị khai thác sử dụng tài nguyên nước với lưu lượng lớn đã được cấp phép và đưa vào quản lý. Trong ảnh: Trạm bơm nước thô Nhà máy Nước Dĩ An được đầu tư hiện đại
Điểm nổi bật phải kể đến là sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trở thành một trong những tỉnh đầu tiên thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (một cấp) sau khi Luật Đất đai có hiệu lực kể từ ngày 1-4-2015. Đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất, sau một thời gian hoạt động, nhận thấy mô hình một cấp gặp khó khăn, hạn chế trong việc phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, ban, ngành cấp huyện trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở TN&MT đã sớm tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, thị, thành phố trực thuộc UBND cấp huyện.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT gắn với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và lưu trữ dữ liệu. Nổi bật là sở sớm hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai nhằm kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chuyển đổi số. Hiện tại, CSDL đất đai đã được kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư, phát huy hiệu quả, đem lại những tiện ích cho người dân. Đến nay, 100% các kết quả giải quyết thủ tục hành chính đều được số hóa và được áp dụng, thực hiện giải quyết theo Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Hiện nay, sở đang tập trung lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai để tích hợp vào quy hoạch tỉnh song song với lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Sở TN&MT xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác thẩm định giá đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đầu tư. Tính đến nay, sở quản lý 45 khu đất với diện tích 492,97 ha; tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 26 công trình, dự án, trong đó phải kể đến các công trình trọng điểm của tỉnh về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Sở TN&MT thường xuyên phối hợp rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm tạo chuyển biến lớn trong việc quản lý hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước, đưa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp. Từ năm 2003 đến nay, đơn vị luôn duy trì công tác quan trắc, đầu tư và mở rộng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong công tác BVMT, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh, sở tham mưu tỉnh chú trọng hạn chế thu hút đầu tư bên ngoài khu, cụm công nghiệp, các dự án có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm 100% dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch và có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường; khuyến khích xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp thân thiện với môi trường.
Theo ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT, có được thành quả trong chặng đường 20 năm qua là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Bên cạnh là quyết tâm thực hiện có chất lượng, hiệu quả vai trò đặc biệt quan trọng về quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Không ngừng nỗ lực
Ông Ngô Quang Sự cho biết trong xu hướng phát triển mới, Bình Dương sẽ tập trung BVMT, phát triển bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo đó, sở chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác sử dụng tài nguyên phải gắn liền với việc BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó một cách chủ động trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, đơn vị tập trung triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực BVMT; tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; triển khai đầu tư thêm các khu liên hợp xử lý chất thải, từng bước chuyển các đơn vị xử lý nhỏ lẻ vào khu liên hợp tập trung; tiếp tục hợp tác với các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai triển khai thực hiện bảo vệ lưu vực sông nhằm phát triển bền vững cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL, bảo vệ dữ liệu TN&MT trên không gian mạng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh...
► Ông Trần Thanh Quang, Chi Cục trưởng Chi cục BVMT: Bình Dương là địa phương tiên phong áp dụng thiết bị quan trắc chất lượng nước và khí thải tự động, online và dùng camera giám sát, máy lấy mẫu tự động, 100% các khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu. Bình Dương đã và đang triển khai xây dựng, đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất 87.000 m3/ngày đêm; đã hoàn thành khắc phục triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chấm dứt hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị theo kế hoạch 32/32 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt 98,6%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%... ► Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh: Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực và mạnh dạn triển khai thực hiện ủy quyền các chi nhánh ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và thực hiện liên thông thuế điện tử, đến nay tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 99,86%. Công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đã cơ bản hoàn thành. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp được đưa vào thực hiện, tạo thuận lợi trong quản lý và cập nhật biến động đất đai, phát huy những ưu điểm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất qua từng thời kỳ. ► Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản: Toàn tỉnh hiện có 55 công trình quan trắc nước dưới đất, trong đó có 23 công trình quan trắc tự động, 32 công trình quan trắc thủ công. Đối với những công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 200m3/ngày trở lên đều phải lắp thiết bị quan trắc tự động và kết nối tín hiệu về trung tâm để theo dõi. Đến nay, các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước với lưu lượng lớn đã được cấp phép để đưa vào quản lý. |
TIẾN HẠNH - QUỐC KHÁNH