Sở hữu trí tuệ trong TPP: Thuận lợi đan xen thách thức

Thứ năm, ngày 05/05/2016

Trong các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những vấn đề được các thành viên tham gia TPP thảo luận nhiều nhất, trước khi ký kết hiệp định này.

(BDO)

 Khi tham gia TPP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bảo hộ, đăng ký SHTT sẽ giúp các DN tăng sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu. Trong ảnh: Sản xuất sơn mài tại Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Nhiều cơ hội

Theo đánh giá của các chuyên gia, tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới; có cơ hội tận dụng các ưu đãi, mở cửa thị trường của các nước thành viên để phát triển, thu hút đầu tư và công nghệ tiên tiến. Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) tại thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP.Hồ Chí Minh, đánh giá khi tham gia TPP các DN sẽ được bảo hộ rộng hơn, thủ tục xác lập quyền minh bạch, công bằng và hợp lý hơn; việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn; cùng với đó những nội dung quy định liên quan sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các DN trong việc tìm kiếm, đăng ký và bảo vệ quyền SHTT ở những thị trường mới. Bên cạnh đó, cơ chế bảo hộ cao về SHTT sẽ là môi trường tốt có khả năng thu hút, chuyển giao công nghệ của nước ngoài để DN trong nước thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

“Đối với ngành gốm sứ của Bình Dương nói riêng và của cả nước nói chung thì việc bảo hộ hàng hóa khi tham gia TPP sẽ hạn chế việc mẫu mã của DN đã tạo ra bị sao chép và giúp DN “sống” được với các thiết kế mẫu mã của chính mình...”, ông Nguyễn Văn Huy, Chánh văn phòng Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, nói.

Cần coi trọng vấn đề SHTT

Không phải ngẫu nhiên mà TPP dành riêng một trong tổng số 30 chương để đưa ra các quy định về SHTT. TPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền SHTT, có quy định cho phép xử lý hình sự những vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT. So với cách tiếp cận trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO - chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính) thì cách tiếp cận của TPP có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn WTO.

“Do việc bảo hộ cao dẫn đến những đối tượng mới sẽ được đưa vào diện bảo hộ như nhãn hiệu âm thanh, mùi vị hoặc bảo hộ đối tượng kiểu dáng công nghiệp từng phần. Đây cũng là một trong những sức ép đòi hỏi DN phải đổi mới để thích nghi. Điều cần nhắc đến ở đây là khi DN nước ngoài vào Việt Nam sẽ đem theo các bằng phát minh, sáng chế đã được bảo hộ, nếu DN nào vô ý hay cố ý xâm phạm quyền SHTT thì sẽ bị xử lý rất mạnh, do trong TPP các chế tài hình sự đặt ra rất nhiều”, ông Khuê cho biết.

Một vấn đề cần nhắc tới là hiện nay các DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ, vấn đề SHTT rất hay bị cho qua, trong khi nếu gia nhập TPP và mở cửa thị trường thì đây lại là yếu tố được các DN nước ngoài đặt lên hàng đầu… Với những yêu cầu cao về quyền SHTT của TPP, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là DN cần có nhận định đúng đắn hơn về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền SHTT cũng như ý thức rõ ràng hơn về tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT để tranh thủ được các cơ hội thương mại và đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh và hạn chế rủi ro về pháp lý SHTT với các đối tác nước ngoài.

 KHÁNH ĐĂNG