Sổ đỏ giả “lọt cửa” công chứng: Người mua đất lao đao!
(BDO) Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một liên tiếp xảy ra việc dùng sổ đỏ giả để lừa bán đất. Việc mua bán được công chứng hẳn hoi, nhưng khi người mua mang sổ đỏ đến Văn phòng đăng ký sử dụng đất TP.Thủ Dầu Một để làm thủ tục sang tên thì mới tá hỏa vì phát hiện sổ đỏ bị làm giả.
Đất đẹp, giá rẻ bất ngờ
Giữa tháng 3-2016, ông Huỳnh Văn Liên (ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) được người quen giới thiệu gặp bà Ngô Thùy Trang (SN 1976, ngụ phường Chánh Nghĩa) đi xem một mảnh đất nằm ven sông khá đẹp ở phường Tân An. Mảnh đất này được bà Trang đứng tên trong sổ đỏ, có diện tích rộng hơn 2.400m2, nhưng chỉ bán với giá 600 triệu đồng. Đang có ý định mua đất và thấy giá bán khá rẻ, nên ông Liên đã đồng ý mua mảnh đất trên. Sau đó, ông Liên và bà Trang đã đến Văn phòng công chứng Sở Sao để làm thủ tục chuyển nhượng đất. Công chứng viên tên N. sau khi xem xét giấy tờ đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng cho bên mua và bên bán.
Ông Liên tại khu đất đã bỏ tiền ra mua nhưng nay thì không thể đứng tên chủ sở hữu vì sổ đỏ mà người bán dùng để giao dịch là giả
Ông Liên đã đặt hết lòng tin vào phòng công chứng nên chuyển cho bà Trang đúng số tiền mua đất 600 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông Liên cầm sổ đỏ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Thủ Dầu Một để làm thủ tục sang tên thì mới té ngửa khi biết sổ đỏ mà bà Ngô Thùy Trang đứng tên là sổ đỏ giả.
Tương tự, trong tháng 3-2016, bà Phùng Thị Hoa (ngụ ấp Bình Quới, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) đã tìm mua 2 mảnh đất trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng/mảnh. Việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng các mảnh đất này được tiến hành tại Văn phòng công chứng Sở Sao, do công chứng viên tên N. thực hiện. Tuy nhiên khi đến cơ quan Nhà nước để sang tên mảnh đất, bà Hoa mới biết mình đã bị lừa. Các sổ đỏ bị làm giả này được cơ quan Nhà nước tạm giữ để điều tra làm rõ.
Bức xúc trước sự việc trên, ông Liên cũng như bà Hoa đã tìm gặp những người bán đất để lấy lại tiền nhưng bất thành. “Tôi đã tìm gặp bà Trang nhiều lần, nhưng bà ấy viện đủ lý để kéo dài sự việc. Tôi đã làm đơn kiện văn phòng công chứng và công chứng viên lên tòa án TP.Thủ Dầu Một vì đã chứng thực hợp đồng mua bán dựa trên sổ đỏ giả khiến người mua bị thiệt hại”, ông Liên cho biết.
Muốn chắc, phải xin hồ sơ trích lục
Trao đổi với P.V về sự việc trên, ông Võ Chí Thành, Trưởng Phòng tài nguyên - Môi trường TP.Thủ Dầu Một, cho biết việc sổ đỏ bị làm giả trước đây cũng có nhưng rất ít. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã có khoảng 10 sổ đỏ bị làm giả và được cơ quan này tạm giữ chuyển giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thủ Dầu Một điều tra làm rõ.
Theo ông Thành, vì tham giá rẻ nên một số người mua đất đã bị lừa. Ngoài ra, vì họ ít hiểu biết thủ tục liên quan về đất đai; bằng mắt thường khó phát hiện được sổ đỏ bị làm giả. Các sổ đỏ này được làm giả cả phôi, chữ ký và con dấu một cách tinh vi, giống như thật.
Cũng theo ông Thành, nếu chú ý quan sát có thể phát hiện những dấu hiệu sổ bị làm giả. Ví dụ như, sổ đỏ giả ghi chức danh ký thay chủ tịch, nhưng phần mộc đỏ lại ghi chủ tịch ký là mâu thuẫn. Bên cạnh đó, sơ đồ thửa đất thường thể hiện tứ cận giáp ranh, những tuyến đường đã hoàn chỉnh thì thể hiện lộ giới hành lang đường bộ… Những sổ đỏ làm giả thì không dám thể hiện tứ cận vì sợ bị phát hiện, lộ giới hành lang cũng không, không tuân theo quy chuẩn của ngành. ..
Để tránh trường hợp bị lừa đảo, trước khi tiến hành mua bán đất, hai bên mua bán nên đến trực tiếp cơ quan quản lý nhà nước là UBND cấp phường, xã hoặc Phòng Tài nguyên - Môi trường để xác minh hiện trạng đất, chủ sử dụng đất xem mảnh đất ấy có bị tranh chấp hay không, có quy hoạch hay không. Khi nộp hồ sơ trích lục trích đo địa chính ở các phường, xã hay ở UBND TP.Thủ Dầu Một thì cán bộ nhận hồ sơ cũng giúp người mua nhận biết thông tin về mảnh đất trên. Để chắc hơn, kỹ hơn thì xin trích lục hồ sơ gốc địa chính về mảnh đất cần mua.
“Về thủ tục để công chứng hợp đồng mua bán, bắt buộc phải có văn bản đo đạc, xác minh hiện trạng đất thì mới có thể công chứng hợp đồng”, ông Thành cho biết.
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, cho biết: “Hiện nay các hình thức lừa đảo, làm giả các loại giấy tờ được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện ra đâu là thật, đâu là giả. Đôi khi các văn phòng công chứng cũng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo! Tuy nhiên, văn phòng công chứng là do một công chứng viên (CCV) thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Cho nên nếu phát sinh thiệt hại mà do lỗi của CCV thì CCV sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu được công chứng theo quy định của pháp luật. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các CCV và có nhiều biện pháp thiết thực giúp CCV hạn chế tối đa sai phạm có thể xảy ra trong quá trình làm việc!”.
QUANG TÁM