Số ca tử vong vì COVID-19 vượt ngưỡng 10.000, LHQ kêu gọi đoàn kết
(BDO)
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch từ người dân để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Gross-Gerau, Đức, ngày 9/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 20/3, số người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 10.000, lên 10.080.
Đây cũng là ngày mà Liên hợp quốc nhấn mạnh lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu vì đại cục, để tránh thảm họa y tế có thể khiến hàng triệu người tử vong.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khoa học và kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu, với 4.932 ca, tiếp đến là châu Á, với 3.431 ca. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đã ghi nhận 15.268 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 4.777 ca so với thống kê trước đó.
CDC cũng lưu ý rằng tại Mỹ đã có thêm 51 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 201 người.
Cũng liên quan tới tình hình dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không cân nhắc phương án phong tỏa toàn quốc ở thời điểm hiện tại, và ông nghĩ rằng sẽ không cần thiết phải phong tỏa toàn quốc.
Trong khi đó, ngày 20/3, giới chức Iran thông báo ghi nhận thêm 1.237 ca mắc COVID-19 mới và 149 ca tử vong ở nước này. Đây là ngày số ca tử vong tăng cao kỷ lục tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Alireza Raisi cho biết số ca nhiễm mới hằng ngày đang giảm dần. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Trung Đông này đã có 19.644 ca bệnh và 1.433 trường hợp tử vong.
Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành "điểm nóng" dịch bệnh tại Đông Nam Á khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.
Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Jakarta trong vòng 2 tuần để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Việc một sự kiện tôn giáo tập trung hàng nghìn người vẫn tiếp tục được tổ chức bất chấp yêu cầu hạn chế tụ tập đông người của chính phủ đang khiến tình hình trở nên phức tạp.
Ngày 20/3, Cơ quan y tế tỉnh Nam Sulawesi đã phải đưa tổng cộng 8.223 Hồi giáo dự lễ Ijtima Ulama (lễ đọc kinh Coran tập thể) năm 2020 khu vực châu Á tại huyện Gowa tới các khu cách ly tại nhiều địa điểm sau khi những người này bất chấp lệnh cấm để tụ tập dự lễ.
Đến nay, Indonesia ghi nhận thêm 60 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 32 ca tử vong do virus này, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 369 ca.
Hiện tốc độ lây lan dịch bệnh tại châu Phi vẫn chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng Liên hợp quốc cảnh báo các quốc gia khu vực này vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác do lo ngại một khi dịch bệnh lây lan nhanh, các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém tại khu vực này sẽ không thể chống đỡ.
Các nước châu Phi đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch.
Chính phủ Zimbabwe đã ra lệnh đóng cửa các trường học nhằm phòng ngừa sự lây lan của virus, cấm các cuộc tụ tập có sự tham gia từ 100 người trở lên trong 60 ngày tới.
Nigeria cũng tuyên bố sẽ đóng cửa trường học, hạn chế các hội nghị khu vực tại thành phố Lagos thuộc bang cùng tên và thủ đô Abuja.
Chính quyền sẽ giới hạn các cuộc tụ tập và sự kiện có sự tham gia của hơn 50 người, đồng thời kêu gọi người dân giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp.
Ethiopia kêu gọi người dân nước này không nên phân biệt đối xử với người nước ngoài trong bối cảnh số ca nhiễm trên thế giới tiếp tục tăng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nếu không có sự kiểm soát kịp thời, hàng triệu người có thể tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại những nước nghèo.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp toàn cầu ứng phó với "thảm họa y tế," kêu gọi các nước cần ngừng áp dụng chiến lược y tế riêng và khẳng định đoàn kết toàn cầu không chỉ là một đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức mà còn vì lợi ích của người dân./.
Theo TTXVN