Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh, ghi nhận virus EV71 gây bệnh nặng

Thứ ba, ngày 06/06/2023

(BDO)

Bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố và thường ghi nhận cao vào tháng 9-11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh và đã có một số trường hợp tử vong.

Gia tăng các ca mắc virus EV71 gây biến chứng nặng

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An. Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

So với cùng kỳ 2022 (12.649/1) số mắc giảm 28%, trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam (6.204 ca), còn tại miền Bắc là 2.007 ca, miền Trung 316 ca và Tây nguyên 130 ca.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Tuần 19 (từ 8/5 đến 14/5), số ca mắc tay chân miệng chưa tới 100 trường hợp, trong khi trong tuần 22 (từ 29/5 đến 4/6), số ca mắc đã tăng lên hơn 250 ca, cao gấp hơn 2 lần so với tuần 19.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), vừa qua, các bác sỹ đã nỗ lực cứu chữa một trường hợp nghi mắc bệnh tay chân miệng nhưng tình trạng quá nặng, bệnh nhi đã tử vong vào ngày 31/5.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), trong ba tháng đầu năm có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Trên toàn quốc, phân bố số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng theo tháng năm 2023 như sau: Tháng Một có 1.070 ca mắc/0 ca tử vong; tháng Hai có 1.192 ca mắc/0 tử vong; tháng Ba có 1.599 ca mắc /0 tử mắc/0 tử vong; tháng Tư có 2.408 ca mắc /0 tử vong và tháng Năm có 3.101 ca mắc /03 tử vong.

So với trung bình 5 năm gần đây, số mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến, tuy nhiên số mắc trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và đã ghi nhận 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023. Số ca mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của virus Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Sẽ nhập khẩu thuốc để điều trị

Dịch bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.

Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phong nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.

Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì các em có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không phải là hiếm.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Khi bị bệnh người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.

Liên quan đến bệnh tay chân miệng, ngày 5/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital).

Cụ thể, Cục Quản lý dược cho hay đã nhận được công văn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp đồng thời dự kiến tháng Bảy sẽ có thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh tay chân miệng về Việt Nam. Đối với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Trước những lo ngại về dịch bệnh tay chân miệng có thể bùng phát vào mùa Hè, Bộ Y tế ngày 5/6 đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế…/.

Theo TTXVN