Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam có thể gia tăng do biến chủng mới
(BDO)
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.
Ngày 5/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo.
Các ý kiến tại phiên họp đều khẳng định chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển đạt kết quả tương đối toàn diện trên các mặt. Tuy nhiên, vẫn còn hiện hữu mối lo số ca mắc COVID-19 có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trình bày, tính đến ngày 4/7/2022, tổng số ca mắc trên thế giới vượt 554 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,3 triệu ca tử vong. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu.
Ban chỉ đạo nhận định trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay).
Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở Việt Nam. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể này.
Bộ Y tế nhận định tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, các hoạt động chưa hoàn toàn trở lại bình thường như trước đại dịch. Với việc xuất hiện biến chủng mới, dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều nước, có những quốc gia xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Vì vậy, người dân không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bởi, không người dân nào an toàn khi người dân khác còn mắc bệnh COVID-19, không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác còn phải chống dịch, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước mối lo ngại trên, Ban chỉ đạo yêu cầu hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Vaccine vẫn là "vũ khí" quyết định
Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỉ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia chấu Âu như Italy, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ họ tránh bệnh trở nặng.
Thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 231 triệu liều vaccine. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 66,7% và 25,7%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,4% và 7,2%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 50,9% và 17,4%.
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu đều khuyến nghị việc duy trì các biện pháp như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.
Trước tình hình trên, với sự khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước và yêu cầu thực tế hiện nay, Ban chỉ đạo nhấn mạnh việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch và đặc biệt là đẩy mạnh tiến độ tiêm vacine là hết sức cần thiết.
Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, "kinh nghiệm xương máu" khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, Việt Nam buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.
Do đó, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng./.
Theo TTXVN