Sinh viên khó khăn vẫn được tiếp tục vay tiền
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) cho hay không có chuyện dừng chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg. Tuy nhiên, nguồn vốn năm nay có chậm hơn so với mọi năm, nhưng Chính phủ đã duyệt nguồn vốn, chắc chắn đầu tháng 11-2010, VBSP các địa phương sẽ bắt đầu giải ngân tín dụng HSSV. Các hộ gia đình đang vay hoặc sẽ vay vốn từ chương trình tín dụng này cần bình tĩnh, bởi đây là một chủ trương lớn của Chính phủ...
Theo ông Lý, năm học này lãi suất cho vay tín dụng HSSV vẫn giữ nguyên 6%/năm, mức cho vay 860.000 đồng/tháng/HSSV. Vừa qua, VBSP cùng liên Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ nâng mức cho vay lên 900.000 đồng/tháng/HSSV, nhưng chưa được thông qua. Trước câu hỏi hiện nay không ít hộ vay vốn đang hẫng hụt, bởi quy định mới HSSV thuộc hộ gia đình khó khăn đột xuất chỉ được vay vốn trong 12 tháng, chứ không được vay vốn cho cả khóa học như trước đây? Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng về nguyên tắc, ngoài đối tượng HSSV là con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình mồ côi, thì gia đình khó khăn đột xuất vẫn được vay vốn với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là “không để HSSV nào vì khó khăn về tài chính mà phải nghỉ học. Chỉ có điều từ năm học này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chúng tôi có điều chỉnh HSSV gia đình khó khăn đột xuất chỉ được vay vốn trong vòng 12 tháng. Sở dĩ có sự sửa đổi này là vì nhiều gia đình khó khăn đột xuất nhưng chỉ sau 3 - 4 tháng hoặc 1 năm thì hết khó khăn. Sự sửa đổi này nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách, tiết kiệm vốn cho Chính phủ để cho vay đúng đối tượng. Song quy định này vẫn theo hướng mở là nếu sau 12 tháng hộ gia đình khó khăn đột xuất đó vẫn còn khó khăn, chính quyền địa phương xác nhận và cán bộ ngân hàng đến kiểm tra thấy đúng thì vẫn sẽ tiếp tục cho vay, chứ không phải “đóng cửa” hoàn toàn. Hộ gia đình này không phải làm bất cứ thủ tục nào nữa. Hiện nay, các xã đều theo quy chế dân chủ. Sau khi bình xét tại tổ tiết kiệm và vay vốn phải thông qua ban xóa đói giảm nghèo của xã nên có thể yên tâm về khâu xét duyệt đối tượng”.
Tuy nhiên, cũng theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Lý, thì chuẩn nghèo của Việt Nam quá lạc hậu rồi. “Quy định chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 thu nhập 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn thì thuộc hộ nghèo. Giả sử một hộ gia đình có 4 người, tổng thu nhập là 2 triệu đồng/tháng, bình quân 500.000 đồng/người/tháng là thuộc hộ khá. Nhưng khi hộ này có 1 con đi học thì 2 triệu đồng đó chỉ đủ cho con đi học, 3 người còn lại lấy tiền đâu ra để tiêu xài, học hành. Trong khi đó tiêu chí hộ nghèo chỉ xác nhận thu nhập chứ không tính chi phí nên vẫn còn bất cập!”, ông Nguyễn Văn Lý nói.
THẢO VY