Sinh viên đam mê sáng tạo, khởi nghiệp
(BDO) Trường Đại học Thủ Dầu Một vừa tổ chức vòng bán kết cuộc thi sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022. Có 10 nhóm dự án xuất sắc nhất bước vào vòng bán kết của cuộc thi năm nay. Từ cuộc thi này cho thấy, thêm một lần nữa các em thể hiện tinh thần khởi nghiệp, niềm đam mê sáng tạo trong kinh doanh qua các dự án tham gia cuộc thi.
Nhóm SV đang trình bày và giới thiệu sản phẩm xà phòng tái chế với Ban giám khảo
Cuộc thi sinh viên Đại học Thủ Dầu Một với ý tưởng khởi nghiệp “TDMU Entrepreneurship Competition - TEC 2022” được phát động từ tháng 5-2022, đã có hơn 60 dự án của các nhóm sinh viên (SV) đăng ký dự thi thuộc nhiều lĩnh vực: Kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin, du lịch, giáo dục, công nghệ sinh học, khoa học môi trường, kinh tế...
Thầy Lê Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp và Khởi nghiệp cho biết, các dự án dự thi phải đáp ứng các tiêu chí theo thể lệ cuộc thi như: Sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu thị trường; tính khả thi trong việc sản xuất, kinh doanh; tính độc đáo, sáng tạo, giá trị khác biệt của sản phẩm; kết quả tiềm năng của dự án; kế hoạch truyền thông; khả năng thuyết trình, trình bày dự án…
Từ những dự án các em đăng ký, Ban giám khảo đã chọn 10 dự án có chất lượng vào vòng thi bán kết, gồm: Chương trình định hướng nghề nghiệp; xà phòng hoạt tính tái chế từ bã mía và dầu ăn đã qua sử dụng; tour du lịch Bình Dương 2 ngày 1 đêm “Bình Dương - Tìm về những giá trị ban sơ”; mô hình thuê trọ online cho SV; thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng chống bệnh sương mù não; kẹo thảo dược; viên rửa chén xanh; robot rác thông minh T&V; sản xuất thực nghiệm nến thơm thân thiện với môi trường; sản xuất bao bì giấy từ bã đậu nành.
Tại sân chơi trí tuệ này, các em đã thể hiện được tài năng, sự sáng tạo qua những dự án các nhóm SV dự thi. Dự án “Xà phòng hoạt tính tái chế từ bã mía và dầu ăn đã qua sử dụng”, đã được Ban giám khảo quan tâm và đặt khá nhiều câu hỏi cho nhóm SV dự thi. Đây là sản phẩm được làm từ chất nền là dầu ăn đã qua sử dụng và được tái chế lại tinh khiết từ than hoạt tính làm từ bã mía cộng với tinh dầu. Tính độc đáo của sản phẩm này là tái tạo lại lượng dầu đã qua sử dụng tránh ô nhiễm môi trường. Tạo ra than hoạt tính từ rác thải hữu cơ; làm ra sản phẩm thân thiện với môi trường, lành tính cho người sử dụng.
SV Nguyễn Thịnh Phát, trưởng nhóm cho hay với sản phẩm này các em tạo ra xà phòng xanh sạch, thân thiện với môi trường, cùng nhau bảo vệ môi trường, các em đã tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi là bã mía để tái tạo than hoạt tính kháng khuẩn cao. Tạo sản phẩm dầu tinh khiết bằng lọc dầu ăn đã qua sử dụng bằng than hoạt tính tái chế từ bã mía. Ngoài công dụng kháng khuẩn, sản phẩm còn có khả năng dưỡng da, hỗ trợ sáng da, tẩy tế bào chết ...
Dự án “sản xuất bao bì giấy từ bã đậu nành” của em Nguyễn Thị Ngọc Huyền cũng hướng đến một thế giới xanh, sạch, đẹp. Theo em, hiện nay các doanh nghiệp, các công ty, các cơ sở sản xuất sữa đậu nành, tàu hũ hàng ngày đưa ra ngoài một lượng rất lớn bã đậu nành nếu không tận dụng và xử lý kịp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường. Từ vấn đề cấp thiết trên, em đã đưa ra ý tưởng khởi nghiệp với dự án sản xuất bao bì giấy từ bã đậu nành, với mong muốn tạo ra bao bì thân thiện với con người và môi trường. Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn phế thải là bã đậu nành để tạo ra nguồn nguyên liệu mới.
Đưa ý tưởng trở thành sản phẩm hoàn chỉnh, các em đã không ngại khó khăn, vất vả, kể cả thất bại để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Với dự án “Viên rửa chén xanh”, nhóm SV thực hiện dự án đã dày công nghiên cứu, tìm nguyên liệu kết hợp để cho ra sản phẩm. Em Phạm Ngọc Minh Ánh, đại diện nhóm cho biết, sản phẩm viên rửa chén xanh được các em làm từ các nguyên vật liệu như: Chanh, hạt bồ hòn, nước tinh khiết, bột bắp, muối. Sản phẩm có công dụng tẩy rửa chén; khử mùi hôi, làm sáng chén bát, kháng khuẩn và vệ sinh máy rửa chén. Ưu điểm của sản phẩm là có nguồn gốc từ thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhỏ gọn và tiện lợi.
Từ năm 2017 đến nay, trường ĐH Thủ Dầu Một đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp trong SV trường, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ SV khởi nghiệp. Từ đó đến nay, hàng năm SV của trường đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, khu vực.
Thầy Lê Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp và Khởi nghiệp trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được trường tổ chức hàng năm. Qua cuộc thi khơi gợi và lan tỏa tinh thần năng động, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, niềm đam mê sáng tạo trong kinh doanh, khuyến khích hình thành ý tưởng sáng tạo trong sinh viên. Cuộc thi sẽ tuyển chọn các dự án và ươm mầm để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực, quốc gia, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào “Sinh viên Khởi nghiệp”. |
HỒNG THÁI