Siêu bão Nalgae di chuyển nhanh trên biển Đông
Chiều tối qua 1-10, "siêu bão" Nalgae đã vào biển Đông, là cơn bão số 6 vào Việt Nam. Trong khi đó, các địa phương vừa bị bão số 5 "quét" qua đang tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả và tiếp tục sẵn sàng đối phó cơn bão mới.
Chủ động ứng phó với bão số 6
Cơ quan KTTV trung ương cho biết, với tốc độ di chuyển khá nhanh (15 đến 20 km/giờ), đến chiều nay 2-10, vị trí tâm bão số 6 chỉ còn cách đảo Hoàng Sakhoảng 370km về phía đông với sức gió mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km/giờ), giật cấp 14, cấp 15. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15, biển động dữ dội, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc Trung bộ.
Những ngôi nhà ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị lũ nhấn chìm trong nước. Hôm qua 1-10, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 5 và triển khai các phương án sẵn sàng đối phó với tình huống bão số 6 đổ bộ vào nước ta. Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sống ở những vùng thấp, trũng ven biển, ven sông suối; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời đề phòng nước dâng do bão và ngập lụt do mưa lớn gây lũ.
Về thiệt hại do bão số 5 gây ra ở các địa phương, theo Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, tỉnh Quảng Ninh có 293 nhà bị tốc mái, 11 tàu chìm, 33 bè mảng, thuyền nhỏ vỡ, chìm; 11.618ha lúa bị ngập, đổ. Tại tỉnh Quảng Ninh, để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân và khôi phục sản xuất, ngay sau khi bão tan, các ngành chức năng và địa phương khẩn trương huy động các nguồn lực tu bổ lại đê kè, đường giao thông; hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân bị thiệt hại nặng; tổ chức trồng lại hoa màu, khôi phục chăn nuôi; dọn vệ sinh môi trường đường phố; tiêu thoát úng cho những khu vực trũng... Tại Yên Bái, bão đã làm tốc mái một điểm trường tiểu học và hơn 40 nhà dân ở các xã Tân Hợp, Phong Dụ Hạ của huyện Văn Yên; xã An Phú, huyện Lục Yên. Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ những nhà sập hoàn toàn 6 triệu đồng, nhà bị tốc mái trên 50% là 2 triệu đồng. Tại Quảng Trị, trận lốc xoáy xảy ra tại huyện Vĩnh Linh đã làm 14 người bị thương, gần 400 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 150ha cao su và hoa màu bị gãy đổ, tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Hà Nội đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa
Hôm qua 1-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở các huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Tại huyện Mê Linh có gần 3.600ha lúa mùa đã chín nhưng mới thu hoạch được khoảng 450ha. Tại huyện Sóc Sơn, hiện gần 10.000ha lúa mùa cơ bản đã chín, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, khẩn trương gieo trồng cây vụ đông. Ngoài ra, tình hình đê điều, các công trình thủy lợi ổn định; các công ty thủy lợi trên địa bàn ứng trực 100% quân số, tiếp tục tháo kiệt nước đệm để chủ động đối phó với bão số 6.
Theo Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội, lượng mưa trung bình do bão số 5 gây ra trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 40mm, khu vực Thanh Oai có lượng mưa lớn nhất, 70mm; mực nước các sông vẫn ở mức thấp và biến đổi chậm. Tuy nhiên, mực nước ở một số hồ chứa thủy lợi đang ở mức cao như hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Suối Hai, Quan Sơn, Miễu... Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt chỉ đạo huyện Mê Linh, Sóc Sơn và các địa phương vận động nhân dân, huy động các lực lượng quân đội, học sinh, sinh viên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đã chín; đối với diện tích lúa còn xanh, bị đổ cần huy động nhân dân tiếp tục chăm sóc để tránh thiệt hại; các đơn vị thủy lợi, quản lý đê điều và các cấp, các ngành ứng trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến cơn bão số 6, sẵn sàng phương án đối phó.
Theo TTXVN