Siết hoạt động xuất khẩu gạo

Thứ ba, ngày 07/12/2010

Phải xem gạo xuất khẩu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không nên cấp phép xuất khẩu cho những doanh nghiệp không chuyên nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực này

Những đề nghị trên được đưa ra tại cuộc họp giữa Hiệp hội Lương thực VN (VFA) với các tỉnh, thành ĐBSCL tại Long An ngày 6-12 về tình hình xuất khẩu gạo và biện pháp khắc phục những bất cập hiện nay.

 

Lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm

 

Tại cuộc họp này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, xuất khẩu gạo trong tháng 11-2010 đạt trên 430.000 tấn, tuy không bằng tháng 10 nhưng vượt hơn cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng 11 tháng qua, xuất khẩu được 6,27 triệu tấn gạo, trong đó hợp đồng tập trung đạt 42,48%, hợp đồng thương mại chiếm 57,52%. Ước tính cả năm 2010, xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, đạt 3,1 tỉ USD, vượt chỉ tiêu đề ra. Bình quân cả năm, các doanh nghiệp (DN) thu mua lúa hàng hóa của nông dân với giá 4.300 đồng/kg.

 

 Vận chuyển gạo xuất khẩu tại ĐBSCL. 

Tuy nhiên, ông Phong cũng dự báo lượng gạo xuất khẩu trong năm 2011 sẽ không cao hơn năm 2010, thậm chí có chiều hướng giảm khoảng 500.000 tấn. Đó không phải là do nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới giảm mà vì nguồn cung ứng bị hạn chế. Trước mắt, nguồn gạo mua từ Campuchia (nông dân VN hợp tác sản xuất) cũng bị giảm ít nhất 70%, còn khoảng 200.000 tấn do bị nước thứ ba tranh mua.

 

VFA cũng dự báo tình hình sản xuất gạo trong nước sẽ rất khó khăn vì thời tiết 3 miền diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là khu vực ĐBSCL bị nước biển xâm nhập sâu do không có lũ từ đầu nguồn sông Mê Kông đổ về. Vì thế, VFA chỉ đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2011 ở mức 6 triệu tấn.

 

Chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm

 

Đại diện VFA và các tỉnh, thành cùng kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh tình trạng mạnh ai nấy xuất khẩu gạo như hiện nay.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có 264 DN tham gia xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 29 DN đủ năng lực đối với khách hàng nước ngoài. Trong số đó, 11 DN đủ sức đáp ứng 85% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Phần lớn các DN còn lại là không chuyên, cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín với khách hàng.

 

VFA cho biết hiệp hội đã khuyến cáo nhiều DN rằng sẽ bị lỗ nặng hoặc ký hợp đồng với đối tác bất lợi nhưng các DN này vẫn bất chấp. Có DN thẳng thừng tuyên bố “thà lỗ một vài lần để có được thị trường còn hơn đứng ngoài cuộc”. Phổ biến nhất là việc các DN chỉ thu gom ào ạt cho đủ số lượng mà bỏ qua chất lượng của hạt gạo hoặc khi thu mua không đủ số lượng để giao thì tìm cách trốn tránh trách nhiệm, gây mất lòng tin chung. “Những DN này làm giảm uy tín của VN trên thị trường gạo thế giới” - các đại biểu nhận định tại cuộc họp.

 

Hội nghị đã thống nhất: Phải chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy xuất khẩu gạo như hiện nay, phải xem gạo xuất khẩu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện để thiết lập lại trật tự trên lĩnh vực này. Ý kiến từ các tỉnh, thành cũng đồng quan điểm với VFA: Bộ Công Thương không nên cấp phép xuất khẩu gạo cho những DN không chuyên. Có như vậy, thị trường lúa gạo mới loại bỏ được “điệp khúc” tranh mua khi giá lên, bỏ rơi nông dân khi giá hạ.

Theo NLĐ