Siết chặt tình trạng xe quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh: Doanh nghiệp ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành
(BDO) Ngày 25-11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục VII - Bộ Công an (CA) đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh về tình hình thực hiện ATGT, không chở hàng hóa vượt tải trọng cho phép, đồng thời tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải đầu mối, các doanh nghiệp (DN) khai thác mỏ, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh ký cam kết bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Có thể nói công tác này thời gian qua đã được Bình Dương quyết tâm thực hiện với thông điệp “Chở đúng tải trọng -Bảo vệ cầu đường - Giảm tai nạn giao thông”.
Kiên quyết với nạn xe quá tải, quá khổ
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng gồm: Thanh tra giao thông, CSGT, công an các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra 7.599 ô tô tải, lập biên bản xử phạt 2.055 xe chở hàng quá tải trọng cho phép với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng; buộc hạ tải 10.023 tấn hàng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2.015 trường hợp. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã cân kiểm tra 4.851 xe, lập 447 biên bản vi phạm chở hàng quá tải, buộc hạ tải 5.586, 87 tấn hàng, xử phạt 1,79 tỷ đồng, tước GPLX có thời hạn 411 trường hợp. Ngoài ra, lực lượng CSGT liên tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, qua đó đã lập biên bản 4.452 trường hợp vi phạm trọng tải và tự ý thay đổi kết cấu, kích thước xe, ra quyết định xử phạt 4.023 trường hợp với số tiền hơn 16 tỷ đồng. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai Văn bản số 12693 của Bộ GTVT-TCĐB về việc tăng cường kiểm soát trọng tải từ các đầu mối xếp hàng hóa lớn, các mỏ vật liệu, mỏ quặng, kho hàng và Thông tư số 35 của Bộ GTVT quy định về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ. Có 13 đơn vị, DN vận tải trên địa bàn tỉnh ký cam kết với Bộ GTVT và UBND tỉnh về việc không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành. Theo đó, các đơn vị, DN phải thực hiện nghiêm chỉnh việc xếp hàng hóa trên phương tiện, xếp hàng vào container theo đúng quy định khi tham gia giao thông đường bộ; không xếp hàng vượt quá tải trọng, lập sổ sách theo dõi dữ liệu của phương tiện và khối lượng hàng hóa vận chuyển khi ra, vào công ty, nhà máy, khu mỏ…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, DN thực hiện đúng các nội dung đã ký cam kết. Ông cũng yêu cầu, lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về vượt quá trọng tải cho phép; kiểm tra định kỳ thực hiện việc cam kết của các DN; tuyên truyền công khai nội dung ký cam kết để tạo sự đồng thuận. Tới đây, Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương kiểm tra việc vận chuyển hàng hóa ở những công ty vận tải nặng như: sắt thép, vật liệu xây dựng, khu mỏ, qua đó tuyên truyền sâu sát để những DN này ký cam kết không xếp hàng quá trọng tải khi lưu thông; đồng thời tiếp thu các ý kiến của DN trong quá trình thực hiện cam kết, nhằm có giải pháp thích hợp...
Trước sự chứng kiến của đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban ATGT tỉnh, đại diện các DN đầu mối vận chuyển hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép khi tham gia giao thông. Ảnh: DUY PHÚC
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe, từ đầu năm đến nay thực hiện kế hoạch của Ban ATGT tỉnh, các lực lượng như: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông (CSGT) và công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai phối hợp tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải, tự ý cải tạo kích thước, hình dáng của xe. Bên cạnh đó, các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cũng phối hợp tuyên truyền về kiểm soát tải trọng xe với thông điệp: “Chở đúng tải trọng - Bảo vệ cầu, đường - Giảm tai nạn giao thông”. Lực lượng công an đã cho ký cam kết chấp hành đúng các quy định về tải trọng xe trong quá trình vận chuyển đối với các chủ DN khai thác đá xây dựng trên địa bàn. Yêu cầu chủ ô tô chở học sinh các trường THCS và THPT cam kết không chở quá số người quy định và chấp hành các quy định của pháp luật về vận chuyển hành khách. Thông báo trên đài phát thanh những DN, cá nhân kinh doanh vận tải vi phạm cũng như nêu lên biện pháp xử lý nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân, đội ngũ lái xe và các đơn vị kinh doanh vận tải về quy định tải trọng xe.
Lực lượng chức năng xử lý xe quá tải trên QL.1K. Ảnh: D.PHÚC
Nằm trong hoạt động này, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý ô tô tải tự ý cải tạo kích thước, hình dáng xe; chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm trong công tác đăng kiểm, nhất là công tác kiểm định tải trọng thiết kế, hình dáng của xe; tổ chức lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý, vận hành và bảo trì trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động cho cán bộ công chức, cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thanh tra giao thông, Phòng CSGT kiểm tra các đơn vị kinh doanh cảng sông, bến thủy nội địa, bến xe về việc thực hiện xếp hàng lên xe ô tô, xếp hàng vào container theo đúng quy định... Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý xe ô tô tải vi phạm quá tải, tự ý cải tạo kích thước, hình dáng của xe...
Ông PHẠM QUANG VINH, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao các hình thức tuyên truyền của Bình Dương, đồng thời chia sẻ: “Các DN là người hiểu hơn ai hết chở hàng quá tải lợi hay hại. Về lý thuyết là có lợi vì phương tiện đăng ký 5 tấn, chở vượt 40% tải trọng được tăng thêm 40% lợi nhuận. Đây chỉ là cách tính theo kiểu “đếm cua trong hang”, thực tế không như vậy. Chúng ta tự hạ giá vận tải xuống thấp hơn giá thành để cạnh tranh, giành giật lẫn nhau để phải chở vượt tải trọng quy định mới đủ bù đắp chi phí. Người lái xe biết chở quá tải là vi phạm nhưng một phần vì lệ thuộc nên phải làm theo ý của chủ. Mặt khác chở quá tải không chỉ là nguyên nhân gây hư hỏng cầu đường mà còn là nguyên nhân mau xuống cấp phương tiện, hỏng hóc, tai nạn xảy ra bất ngờ… Những bất trắc này nếu xảy ra hậu quả của nó không gì đo đếm được. Nên nói cước vận tải ở Việt Nam rẻ ai cũng thấy chạnh lòng vì số vụ tai nạn quá cao!”.
Ông Phạm Quang Vinh cũng yêu cầu trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh Bình Dương cần tiếp tục có những chỉ đạo, thực hiện sâu sát hơn nữa công tác tuyên truyền về quy định không xếp hàng vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông. Đặc biệt, phải tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về vượt quá tải trọng. Cũng theo ông Vinh, tới đây trạm cân lưu động sẽ được cải tiến phù hợp để đặt trên đường chứ không phải yêu cầu phương tiện đi vào cân như hiện nay. Như vậy sẽ thuận tiện hơn và với công nghệ hiện đại cho phép ghi lại toàn bộ hình ảnh, các lỗi vi phạm, mức xử phạt và được gửi thẳng đến phương tiện thông qua thiết bị định vị để chủ phương tiện biết mà khắc phục, nộp phạt…
NHÓM P.V