Siết chặt thị trường, quyết liệt xử lý hàng gian, hàng giả

Thứ tư, ngày 11/12/2024

(BDO)  Tình trạng hàng giả bày bán trên thị trường khiến cho việc phân biệt hàng chính hãng trở nên khó khăn, gây thiệt hại về kinh tế đối với người tiêu dùng, đơn vị sản xuất. Dịp cuối năm, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao cảnh giác để không sập bẫy gian thương.

 Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra lô hàng rượu ngoại có dấu hiệu nhập lậu, tại TP.Thuận An

Nhiều loại hàng hóa bị làm giả

“Nếu không đặt các sản phẩm cạnh nhau để so sánh, không nhận được những cảnh báo từ nhà sản xuất và cơ quan chức năng, người tiêu dùng (NTD) bình thường như tôi không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”, chị Lê Thị Thúy Oanh, ngụ phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết. Chị Oanh đã mua phải mỹ phẩm làm nhái một thương hiệu nổi tiếng của Pháp, sau khi sử dụng chi bị dị ứng khắp mặt và phải đi bệnh viện chữa trị trong thời gian dài.

Tại hội nghị tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả nhãn hiệu và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường thương mại điện tử năm 2024 do Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức mới đây, có nhiều sản phẩm hàng thật, hàng giả được Ban tổ chức trưng bày để cập nhật việc phân biệt hàng thật, hàng giả đối với lực lượng chức năng. Các sản phẩm bị làm giả rất đa dạng về chủng loại, từ những món thực phẩm như gia vị, nước ngọt đóng lon, thực phẩm khô… đến các sản phẩm có giá trị hơn như đồng hồ, thời trang… Đặc biệt, các loại hàng hóa mà người dân có nhu cầu mua sắm nhiều vào dịp cuối năm như mỹ phẩm, nước hoa, bánh kẹo, rượu, bia, giày, quần áo... đang bị làm giả và được bày bán nhiều trên thị trường. Đều đáng nói, các sản phẩm được làm giả cũng rất sắc sảo, thậm chí được in tem chống hàng giả nên rất khó phát hiện.

Chia sẻ các dấu hiệu, đặc điểm nhận diện hàng thật, hàng giả của một số sản phẩm thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, đại diện Công ty TNHH SHTT S & O cho rằng hiện nay việc làm giả, xâm phạm quyền SHTT đối với các nhãn hàng có thương hiệu nổi tiếng đang diễn ra ngày càng tinh vi và khá phổ biến. Việc trao đổi, mua bán diễn ra công khai tại các chợ truyền thống, cửa hàng, bán hàng online. Hình thức chung nhất là người bán thường trưng bày, bán hàng thật, hàng giả chung một nơi để đánh lừa NTD. Chẳng hạn, nếu người bán bán được một đôi giày hàng giả nhãn hiệu, họ thu lợi nhuận khá cao. Với lợi nhuận chênh lệch cao, người bán sẵn sàng lừa dối NTD.

Tăng cường phối hợp xử lý vi phạm

Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và khó phân biệt. Đáng lưu ý, trong quá trình kiểm tra, xử lý các vụ hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng quản lý thị trường gặp không ít khó khăn về tài liệu, danh mục hàng hóa được bảo hộ nếu không có chủ thể quyền cung cấp; đặc biệt là cách nhận biết, phân biệt về đặc điểm, tính chất, hình dạng của hàng giả, hàng nhái với hàng thật… Do hàng giả được làm ra ngày càng tinh vi, nếu quan sát hàng hóa bằng mắt thường cũng rất khó có thể nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng vi phạm SHTT, mà phải cần đến chuyên gia của các nhãn hiệu.

Ông Võ Khắc Như, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết tình trạng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ diễn ra ở hình thức kinh doanh truyền thống mà đang diễn ra trên nền tảng thương mại điện tử. Do đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các đơn vị chủ thể quyền, đơn vị sản xuất từ khâu nhận diện dấu hiệu vi phạm đến khâu xác minh, giám định làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu mua sắm trên thị trường tăng cao, các đối tượng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phi pháp. Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng trên thị trường, ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết đơn vị đang bám sát các địa bàn trọng điểm và triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Cục QLTT tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên khâu lưu thông; rà soát các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề. Tới đây, Cục QLTT tỉnh chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.

 Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức kiểm tra 659 vụ, tăng 62 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả, lực lượng QLTT đã phát hiện 565 vụ vi phạm, tăng 72 vụ so với cùng kỳ năm 2023; đã xử phạt hành chính trên 9,140 tỷ đồng. Số tiền thu phạt trên 8,654 tỷ đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu trên 486 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 16,53 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 2,94 tỷ đồng.

 THANH HỒNG