Siết chặt thị trường hàng hóa phục vụ tết

Thứ năm, ngày 04/01/2024

(BDO) Vào dịp Tết Nguyên đán, các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại xuất hiện ở nhiều địa bàn. Ngành quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình, góp phần bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.

Kiểm soát, ổn định giá cả

Thời điểm này, thị trường 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đang sôi động không khí chuẩn bị hàng hóa tết. Các siêu thị, chợ truyền thống, hộ kinh doanh đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm, dầu ăn… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm phổ biến dịp tết. Vì vậy, các Đội QLTT đã và đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch.

Cục QLTT tỉnh phối hợp với ngành chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm .Ảnh: THANH HỒNG

Ông Huỳnh Văn Sơn, Đội trưởng Đội QLTT số 2 - quản lý 2 địa bàn TP.Thuận An và TP.Dĩ An, cho biết trong những ngày qua đơn vị đã chủ động thành lập 3 tổ, tăng cường cử cán bộ đi kiểm tra, nắm địa bàn, thực hiện quy chế phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm… Riêng kế hoạch kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, đội sẽ phối hợp cùng với các ngành chức năng 2 thành phố tiến hành kiểm tra cụ thể các chợ, hộ kinh doanh trong nhữnng ngày sắp tới.

Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết trên địa bàn tỉnh có 16 siêu thị, 6 trung tâm thương mại lớn cùng với đó là các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống. Để chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm về thương mại, Cục QLTT tỉnh đã ban hành kế hoạch cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”. Thời gian từ ngày 20-11-2023 đến hết 29-2- 2024.

Thực hiện kế hoạch này, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng đang được các Đội QLTT đẩy mạnh triển khai. Công tác kiểm tra hàng hóa được các đội tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống, các tuyến phố buôn bán sầm uất, đại lý phân phối… Trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến… Ngoài ra, các đội cũng tăng cường kiểm tra các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm có nhu cầu tiêu dùng lớn, như: Bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm, thuốc lá, quần áo, giày, dép, pháo, xăng dầu, khí, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật… Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại, triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại pháo, cũng như đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em bày bán trên thị trường.

Người tiêu dùng cần hợp tác

Bình Dương hiện có khoảng 2,8 triệu người, thị trường bán lẻ rất sôi động với sự tăng trưởng lĩnh vực thương mại năm 2023 tăng 14%. Vì vậy, thời gian qua tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ cũng như đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Tuy không phải là điểm nóng, nơi phát luồng hàng hóa trong cả nước nhưng các hoạt động về buôn bán hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn các diễn biến phức tạp, diễn ra trên nhiều lĩnh vực với nhiều phương thức, thủ đoạn.

Lực lượng QLTT kiểm tra, tạm giữ giày thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng

Năm 2023, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm. Các hành vi gian lận thương mại chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Các hành vi tập trung vào một số mặt hàng như xăng dầu, thuốc lá điếu, thiết bị điện, điện tử, thực phẩm các loại, thuốc tây, thực phẩm chức năng và một số loại hàng hóa thiết yếu khác.

Điển hình, Cục QLTT tỉnh đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra phát hiện các vụ việc có quy mô lớn như vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu (hơn 15.000 lít). Từ đó, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 885 triệu đồng. Cục QLTT tỉnh cũng đã phát hiện 3.455 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra. Đối với thiết bị điện tử, ngành khám xét kho hàng, phát hiện trên 880 tang vật các loại đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu gồm cục nóng, cục lạnh máy lạnh, bếp gas, xe đạp điện… có tổng trị giá hàng hóa vi phạm 336 triệu đồng. Ngành tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt với tổng số phạt 180 triệu đồng. Tiếp đó là vụ 32.000 sản phẩm nón vải nghi vấn giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền, hay vụ vận chuyển 4.350 gói thuốc lá điếu các loại do nước ngoài sản xuất...

Để ngăn chặn hành vi vi phạm thương mại, nhất là trong dịp tết, cùng với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm từ phía các lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của người tiêu dùng, doanh nghiệp có hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Trong thời điểm hiện nay, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ, thông tin nguồn gốc hàng hóa, kịp thời thông tin đến cơ quan Nhà nước khi phát hiện, nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần chủ động phối hợp, khiếu nại với cơ quan chức năng khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái và bày bán công khai trên thị trường. Bên cạnh đó, các huyện, thị, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi, an toàn về sức khỏe cho người dân vui xuân, đón tết.

Năm 2023, Cục QLTT tỉnh đã thanh, kiểm tra 569 vụ, phát hiện 493 vụ vi phạm, 16 vụ đang làm việc. Các hành vi vi phạm về hàng cấm (thuốc lá), hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, niêm yết giávà các vi phạm khác. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 5,5 tỷ đồng.

THANH HỒNG