Siết chặt quản lý rác thải, hạn chế ô nhiễm mạch nước ngầm

Thứ hai, ngày 15/07/2019

(BDO) Nhằm xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, TP.Thủ Dầu Một đã ban hành nhiều quy định về quản lý rác thải, vận động người dân không xả rác ra môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý, không để ô nhiễm mạch nước ngầm đang được người dân chung tay thực hiện.


Nhiều gia đình trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một chủ động đấu nối nước thải vào hệ thống nước thải của thành phố

Vì một thành phố xanh, sạch, đẹp

Theo nhận định chung của người dân, hiện nay các tuyến đường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã xanh, sạch. Có được kết quả trên nhờ địa phương đã ban hành nhiều quy định, siết chặt quản lý rác. Bên cạnh đó, người dân cũng ý thức và chung tay với chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ việc bảo đảm môi trường.

Ông Vương Chí Cường, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Việc mỗi ngày người dân đem rác thải sinh soạt ra chất đống ở các thùng rác hai bên đường, hay các bãi tập kết rác chờ xe đến lấy vừa mất vệ sinh vừa mất mỹ quan đô thị. Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 7581/QĐ-UBND ngày 29- 12-2017 về việc quy định về thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn, rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường của thành phố.

Theo quyết định này, các phường phải thực hiện việc vận động, tuyên truyền cho người dân việc không bỏ rác thải ra đường hay các điểm tập kết rác như trước. Vận động, tuyên truyền người dân trên tất cả địa bàn bỏ rác thải sinh hoạt tại nhà chờ xe đến lấy. Trên các tuyến đường chính, đường hẻm đều được phân bố thời gian lấy rác cụ thể. Bên cạnh việc họp dân thông báo, các phường còn phát tờ rơi đến tận nhà, gắn biển báo quy định giờ xe đến lấy ngay đầu hẻm để dân biết”.


TP.Thủ Dầu Một trang bị nhiều thùng rác “thông minh” trên đường Yersin cho người đi đường bỏ rác

Các địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp thải, bỏ rác không đúng thời gian, địa điểm quy định theo nội dung đã được ban hành. Phòng TN&MT đã làm việc với các phường Chánh Nghĩa, Hiệp An, Phú Thọ, Chánh Mỹ thống nhất di dời 6 điểm giao nhận rác thải sinh hoạt hiện hữu tại các tuyến chính trên địa bàn các phường để bảo đảm mỹ quan đô thị như: Khu vực ao sen, phường Chánh Mỹ, khu vực chợ Bưng Cầu, KP.3, phường Hiệp An; khu vực đường Võ Minh Đức, phường Phú Thọ; khu vực ngã tư sân banh Ngân Vũ, khu vực giao lộ đường Bàu Bàng và đường Bùi Quốc Khánh, phường Chánh Nghĩa. Qua đó, yêu cầu các đơn vị thu gom rác dân lập phải đưa hết rác thải thu gom vào trạm ép rác kín Phú Hòa, không bố trí các điểm giao nhận rác trong đô thị, nâng tổng số điểm đã thực hiện di dời 33/33 điểm giao nhận…

Bên cạnh đó, UBND thành phố còn trang bị thùng rác tại các công viên và các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố. Điển hình như khu vực trung tâm công viên ngã 6, đường Yersin (phường Phú Cường) và một số tuyến khác với số lượng 181 thùng loại 240 lít, 8 thùng 660 lít, 30 thùng rác loại 2 ngăn cao cấp và 28 thùng rác trang trí có hoa văn. Ông Vương Chí Cường cho biết đây là các thùng rác có ký hiệu phân loại rác giúp người đi đường bỏ rác thải đúng nơi, đúng chỗ, có ý nghĩa tuyên truyền cho người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Tới đây, UBND TP.Thủ Dầu Một sẽ cho lắp đặt loại thùng rác này trên nhiều tuyến phố khác.

Hạn chế ô nhiễm mạch nước ngầm

Những năm gần đây, TP.Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm việc hạn chế ô nhiễm mạch nước ngầm. Phòng TN&MT kết hợp với lãnh đạo các phường thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, rạch, những điểm xả nước thải không đúng quy định, có thể làm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, công tác vận động người dân đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn luôn được quan tâm. Phòng TN&MT đã phối hợp với các phường, Xí nghiệp nước thải TP.Thủ Dầu Một tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ dân đủ điều kiện đấu nối. Ông Vương Chí Cường cho biết: “Kết quả rà soát, có tất cả 12.153 hộ dân, trong đó có 9.956 hộ dân và 662 cơ sở sản xuất đủ điều kiện đấu nối. Kết quả thực hiện việc đấu nối nước thải tính đến nay đạt trên 55% số hộ. Các hộ chưa đủ điều kiện đấu nối là do cao độ nền thấp, nền nhà kiên cố, phía trước không có hộp đấu nối D300, hẻm chưa được đầu tư đường ống”.

Một số địa phương còn vận động đảng viên, cán bộ trong phường làm điểm như phường Phú Lợi, từ đó nâng số hộ đấu nối vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lợi, cho biết: “Hiện phường Phú Lợi đã đạt gần 70% số hộ đấu nối nước thải gia đình vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố. Qua vận động, rất nhiều hộ không ngại hủy bỏ hầm ngấm của gia đình trước đây, phá nền gạch kiên cố để lắp đặt đường ống xả thải mới. Bên cạnh đó, khi bà con xin giấy phép xây dựng nhà, cán bộ địa chính tận tình hướng dẫn bà con thực hiện chương trình này, nếu không thực hiện sẽ không cấp phép xây dựng. Với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, UBND phường gửi văn bản đến từng hộ để vận động. Các hầm hố, cống rãnh có dấu hiệu ô nhiễm, cán bộ môi trường phải kiểm tra xử lý ngay, tìm cho ra nguyên nhân gây ô nhiễm”.

Để tăng cường công tác giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Phòng TN&MT đã phối hợp cùng Ủy ban MTTQ TP.Thủ Dầu Một xây dựng Kế hoạch về việc xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường. Hiện nay UBND 14 phường trên địa bàn đã nhân rộng mô hình “Tổ tự quản về môi trường” tại các khu phố với số lượng tổ tự quản được thành lập là 119 tổ/118 khu phố.

Trong năm 2018, Phòng TN&MT TP.Thủ Dầu Một đã phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phế liệu; phối hợp cùng UBND các phường tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở phế liệu quy mô hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Hiện trên địa bàn chỉ còn 14 doanh nghiệp đang hoạt động và 17 cơ sở kinh doanh kiểu hộ gia đình. Trong đó, có 12 cơ sở không đăng ký hộ kinh doanh.

Nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, Phòng TN&MT thành phố kiến nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải thể, ngưng hoạt động hoặc hoạt động văn phòng của các doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp đã cam kết ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động văn phòng nhưng tiếp tục hoạt động thu mua, lưu chứa, phân loại phế liệu trở lại, UBND các phường có thông báo về UBND thành phố (thông qua Phòng TN&MT) để kiểm tra, xử lý đúng theo quy định. Tiếp tục rà soát, củng cố các hồ sơ (liên quan đến việc quản lý sử dụng đất, bảo vệ môi trường, kinh doanh, xây dựng, phòng cháy chữa cháy) và xử lý dứt điểm của các cơ sở phế liệu hiện đang hoạt động không đúng theo quy định.

Trường hợp các cơ sở phế liệu tiếp tục hoạt động trở lại sau thời gian đã ngưng hoạt động hoặc các cơ sở phế liệu phát sinh mới hoạt động không bảo đảm các quy định của pháp luật, có những biểu hiện chống đối thì UBND các phường lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu đề xuất UBND thành phố xửlý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

 QUANG TÁM