Siết chặt hoạt động quảng cáo
Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác chấn chỉnh hoạt động quảng cáo (QC). Để người dân hiểu rõ hơn về những nội dung của chỉ thị, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).
(BDO) - Thưa bà, công tác quản lý nhà nước trong công tác chấn chỉnh hoạt động QC trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào?
- Thực hiện Chỉ thị số 17/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2083/QĐ- BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, UBND tỉnh ra công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện các nội dung, tổ chức triển khai phổ biến thực hiện chỉ thị và các quyết định trong hệ thống cơ quan quản lý của ngành từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động QC trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ký Quyết định số 3100/QĐ-UBND về “Quy hoạch quảng cáo ngoài trời tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trên cơ sở quyết định trên, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về hoạt động QC ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Lực lượng dân quân phường Phú Lợi (TP. Thủ Dầu Một) xóa quảng cáo rao vặt
Thanh tra ngành VH-TT&DL cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nội dung QC như: QC trên biển hiệu, panô, băng rôn không đúng quy định; chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng QC, biển hiệu; đồng thời phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dán nhãn QC, rao vặt trên địa bàn; thường xuyên mở đợt ra quân kiểm tra bóc, xóa, tháo dỡ các QC rao vặt ở các tuyến đường trọng điểm, các giao lộ. Đội kiểm tra liên ngành các huyện, thị, thành phố phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các xã, phường trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp xử lý có hiệu quả tình trạng QC.
- Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh hoạt động QC nhưng vẫn còn những vi phạm, bà nhận định thế nào về vấn đề này?
- Tuy ngành VH-TT&DL đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh hoạt động QC nhưng một số tổ chức, cánhân tham gia hoạt động QC còn vi phạm. Cụ thể, không thông báo sản phẩm QC; treo, dựng, đặt, gắn bảng QC, băng rôn không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan quản lý chấp thuận; không ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị thực hiện QC trên bảng QC… Trên các tuyến đường, cột điện, tường nhà, gốc cây và các công trình công cộng tại trung tâm các huyện, thị, thành phố hiện tượng dán QC rao vặt và phát tờ rơi vẫn còn xuất hiện. Tình trạng trên còn diễn ra là do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động QC chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QC chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả đến các chủ thể tham gia QC; lực lượng thanh tra mỏng, các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật về QC của các tổ chức, cá nhân chưa nghiêm. Việc thực thi các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động QC còn gặp khó khăn, một số quy định chưa được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
- Theo quy định về xử phạt QC không chỉ đối với doanh nghiệp QC mà phạt cả những người thực hiện dán, phát tờ rơi, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Vậy ngành chức năng có giải pháp gì để giải quyết đúng quy định, thưa bà?
- Bình Dương đang tập trung triển khai một số giải pháp xây dựng đô thị văn minh, thành phố thông minh, do đó lãnh đạo tỉnh rất chú trọng đến việc chấn chỉnh hoạt động QC gây mất mỹ quan đô thị. Theo đó, các ngành chức năng đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các buổi sinh hoạt của cụm dân cư, khu phố, lồng ghép tiêu chí các tuyến đường không có QC rao vặt vào chấm điểm thi đua khen thưởng. Nhiều nơi xây dựng các bảng QC rao vặt miễn phí tại các điểm công cộng… Ngoài ra, Nghị định 28/2017/ NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT&DL và QC sẽ là công cụ đắc lực để làm căn cứ xử lý vi phạm trong thời gian tới. Do đó không chỉ doanh nghiệp mà ngay những người dán, phát tờ rơi QC rao vặt cũng sẽ bị phạt theo quy định.
Cụ thể, khoản 42, sửa đổi khoản 1 và điểm b khoản 2, Điều 51, Nghị định 158 quy định, phạt tiền 1 - 2 triệu đối với người treo treo, đặt, dán, vẽ QC các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ QC. Khoản 49, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi QC làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tựan toàn giao thông, xã hội. Điều 38 của Nghị định 28 nêu rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra SởVH-TT&DL phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quámức tiền phạt. Ngoài biện pháp chế tài, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với chính quyền các địa phương, thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động QC nhằm từng bước chấn chỉnh để lĩnh vực này đi vào nề nếp, trật tự. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức trong hoạt động QC để bảo vệ đường phố, môi trường trong sạch hơn.
- Xin cảm ơn bà!
THIÊN LÝ (thực hiện)