Siết chặt công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thứ hai, ngày 07/10/2013

 Công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), hiện sở đang quản lý 14 cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 9 cơ sở được cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô, với tổng lưu lượng đào tạo là 4.562 học viên; 14 cơ sở đào tạo lái xe mô tô với lưu lượng cho phép đăng ký sát hạch mỗi khóa không quá 360 thí sinh đăng ký dự thi. Với ngần ấy cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe thì xét về mặt số lượng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội và người học.    Khu bãi tập của Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe tỉnh Bình Dương

Từ ngày 1-1-2012 đến 31-8- 2013, sở đã tổ chức được 619 kỳ sát hạch cho 169.847 lượt người các hạng đăng ký dự thi, số người trúng tuyển được cấp GPLX là 119.243 người các hạng. Trong đó, tổ chức 475 kỳ sát hạch lái xe mô tô cho 139.307 lượt đăng ký dự thi, số người trúng tuyển được cấp GPLX là 94.649 người. Tổ chức 144 kỳ sát hạch lái xe ô tô cho 30.540 lượt người đăng ký dự thi các hạng, số người trúng tuyển được cấp GPLX là 24.594 người các hạng.

Tuy nhiên, bài toán về chất lượng của các cơ sở, trung tâm đào tạo sát hạch này vẫn còn nhiều bất cập từ khâu đào tạo, sát hạch đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe. Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho biết: Công tác đào tạo được xem là “cán cân” để đánh giá chất lượng tài xế. Tuy nhiên, hiện nay tại các trung tâm vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đào tạo lý thuyết và thực hành. Mặc dù, các trung tâm đã bảo đảm chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GT-VT, nhưng chất lượng chưa đi vào thực chất từ phía người học, người dạy. Tất cả đều muốn đơn giản, thuận tiện nên có tình trạng giờ học lý thuyết, thực hành bị cắt xén, chất lượng tài xế không bảo đảm. Theo đánh giá tình hình tai nạn giao thông trong tỉnh, thời gian qua đã giảm số vụ, số người bị thương, nhưng tăng số người chết. Do đó, vấn đề đáng báo động được đặt ra cho các ngành chức năng có liên quan là cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; quan tâm đến chất lượng đào tạo và chất lượng giáo viên.

Theo ông Nguyễn Tầm Dương, đại biểu HĐND tỉnh: “Hiện nay, nhiều tài xế mới vào nghề, không hiểu được đào tạo như thế nào nhưng kỹ năng xử lý tình huống trên đường rất kém. Thậm chí nhiều người không hiểu hết Luật Giao thông đường bộ, không nắm vững các biển báo, nên lái xe không bảo đảm an toàn. Do đó, công tác đào tạo rất quan trọng”.

Siết chặt quản lý

Để khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Sở GT-VT đã và đang tích cực triển khai một số giải pháp. Theo đó, sở đã tổ chức họp với các cơ sở đào tạo, qua đó rút kinh nghiệm và có những biện pháp giải quyết những khó khăn của các cơ sở trong công tác đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở khắc phục các sai sót, yếu kém, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên, phòng họp, phương tiện, sân bãi, trang thiết bị… bảo đảm thực hiện đúng quy định. Mở lớp tập huấn sử dụng phần mềm quản lý GPLX mới PET cho các cơ sở và các trung tâm. Bên cạnh đó, sở còn tổ chức kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở lái xe cơ giới, các trung tâm sát hạch lái xe về triển khai thực hiện các văn bản quy định của Bộ GT-VT.

Về phòng, chống tham nhũng trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp, đổi GPLX. Từ ngày 1-1-2012 đến 31-8-2013, sở luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở đào tạo lái xe về các khóa đào tạo, kiểm tra việc thực hiện các thông tư của Bộ GT-VT; thực hiện giám sát kỳ sát hạch. Thường xuyên tổ chức họp giữa lãnh đạo sở với các sát hạch viên để động viên, nhắc nhở các sát hạch viên thực hiện nghiêm túc, khách quan, trung thực, đúng quy trình và hết lòng phục vụ nhân dân; công tác cấp, đổi mới được tổ chức chặt chẽ. Ngoài ra, ngành chức năng yêu cầu các trung tâm sát hạch lắp hệ thống camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh, âm thanh trên ô tô sát hạch. Tiếp nhận, cài đặt và sử dụng phần mềm bộ 450 câu hỏi, thay cho bộ 405 câu hỏi dùng để sát hạch lái xe cơ giới đường bộ… Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra Sở GT-VT tỉnh Bình Dương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh đã thực hiện 121 đợt giám sát công tác sát hạch cấp GPLX mô tô, 43 đợt giám sát kiểm tra công tác sát hạch cấp GPLX ô tô.

“Nâng chất” tài xế

Đành rằng, việc lái xe giỏi hay không, không phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở đào tạo, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như cách ứng xử, thái độ và ý thức của từng người trước mỗi tình huống xảy ra. Nhưng nếu không thực sự nghiêm túc trong đào tạo và sát hạch GPLX thì sẽ hình thành ý thức chủ quan trong những người ngồi sau vô lăng, xem GPLX như một loại giấy thông hành mà không chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành luật, kỹ năng lái xe.

Kết luận trong buổi giám sát tình hình quản lý, công tác đào tạo, sát hạch và cấp, đổi GPLX trên địa bàn tỉnh của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Dũng, đánh giá cao hoạt động của sở về việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, đào tạo lái xe là ngành đặc thù, có thể gây nguy hiểm nếu đào tạo ra những HV không đủ đạo đức, tay nghề. Do đó, sở cần xem xét lại vấn đề đào tạo HV tại các trung tâm; cần nghiêm túc kiểm tra khắc phục những hạn chế còn tồn đọng. Đồng thời củng cố Ban quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; gắn cải cách hành chính với chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công tác tại các trung tâm, gắn với giao lưu học tập kinh nghiệm.

Trung tá Trương Minh Cảnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Phòng CSGT Công an tỉnh, nói: Chúng ta nên xác định nghề lái xe là nghề đặc thù, do đó công tác đào tạo không chặt chẽ sẽ dẫn đến hậu quả nặng, gây tai nạn thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người lưu thông trên đường. Bởi vậy, người học phải học tất cả lý thuyết, học đạo đức nghề, kỹ năng điều khiển xe. Đối với công tác đào tạo của các trung tâm, người học phải được học giáo án trên sa hình và địa hình để có kiến thức, kỹ năng xử lý sự cố khi lưu thông. Việc bớt thời gian học lý thuyết, thực hành, tình trạng này cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc.

Để nâng cao chất lượng trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Phó Giám đốc Sở GT-VT Bình Dương Đàm Trọng Cường, nói: Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp túc chỉ đạo các cơ sở tăng cường quản lý trong việc đào tạo; xây dựng đội ngũ giáo viên vừa có đức, có tài; trang bị phương tiện, bổ sung thêm xe số tự động. Ngoài ra, sở sẽ quy định lại quy trình đào tạo, quy định 1 giáo viên bao nhiêu học viên (HV) và 1 xe bao nhiêu HV sử dụng trong khóa học, để HV được thực hành đầy đủ. Đồng thời, sở sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, trung tâm đào tạo tránh những tiêu cực xảy ra trong việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, từ đó nâng chất tài xế. Về việc đào tạo đạo đức người tài xế, trong quá trình đào tạo có học phần này, tuy nhiên tất cả còn phải phụ thuộc vào nhận thức, ý thức của mỗi HV.

 THIÊN LÝ