Sẽ thu hồi vaccine của COVAX nếu địa phương nào không tổ chức tiêm
(BDO)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 16/4 về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng. Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vaccine của COVAX về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ, yêu cầu các địa phương phải lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21 và cần tổ chức tiêm nhanh chóng.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh/thành phố hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 của COVAX trước ngày 5/5, địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 16/4 về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố.
Có 49/63 tỉnh/thành phố tiếp nhận vaccine đợt 2
Ngoài hơn 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca về Việt Nam vào cuối tháng Hai (do VNVC mua), ngày 1/4, 811.200 liều vaccine AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ đã về tới Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ số vaccine này về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay đến nay đã có 49/63 tỉnh/thành phố tiếp nhận vaccine đợt 2, 14 tỉnh sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới.
Trong số đó, 28 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 tỉnh (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng với khu vực miền Nam có 8 tỉnh đã được cấp, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và Bộ Y tế “không được phép để bất cứ liều vaccine nào phải hủy do không tổ chức tiêm được”. Do đó, các địa phương không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc xin và thông báo rộng rãi.
Về vấn đề an toàn tiêm chủng, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 theo đúng kế hoạch và hiện nay đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người.
Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng.
Hôm qua, ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.
Hiện nay, ngành y tế đã có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm…
Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vaccine COVID-19 của COVAX chỉ đến 31/5/2021.
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vaccine hết hạn mà không tiêm…
Tại hội nghị, đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vaccine là một trong những biện pháp phòng chống COVID- 19. Những lợi ích mà vaccine mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra.
Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng vaccine không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay.
Nguy cơ vẫn rất lớn
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phân tích hiện nay, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất nhanh. Trung bình hàng ngày, thế giới ghi nhận 600.000-700.000 ca mắc mới, 1.000-2.000 ca tử vong. Một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, thường liên quan đến hoạt động tập trung đông người như tại quán bar, quán rượu từ thủ đô Bangkok lây lan ra nhiều tỉnh.
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thời gian gần đây, tình hình dịch tại Campuchia cũng hết sức phức tạp. Dịch khởi đầu từ ngày 20/2 xuất phát từ khu cách ly tập trung sau đó lây ra cộng đồng. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận hơn 4.300 ca mắc, trong những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến.
Việt Nam đến nay đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là người nhập cảnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định nguy cơ xuất hiện dịch tại Việt Nam vẫn rất lớn trong bối cảnh bùng phát dịch tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu. Do vậy, việc kiểm soát dịch trong thời gian tới là thách thức rất lớn. Vì thế, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.
Hiện nay, khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi đến vùng này. Bộ đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng giữ thật vững chắc khu vực biên giới. Việc ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly đảm bảo là vấn đề đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch trong giai đoạn tới đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn: "Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng, để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, từ đó lây nhiễm trong cộng đồng đặc biệt nếu là biến chủng của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát cộng đồng rất khó khăn."
Do đó, để phòng chống dịch, Bộ Y tế mong muốn các địa phương, đặc biệt là tỉnh có đường biên giới với Campuchia cần hết sức lưu ý vấn đề này đồng thời coi đây là vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Vì nhiều khu vực đường biên giữa hai nước gần như không có ranh giới, chỉ là các cột mốc, đi lại rất dễ dàng./.
Theo TTXVN