Sẽ quy định hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó sự cố môi trường
(BDO)
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương chuẩn bị ban hành Quy định hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương và trách nhiệm của tổ chức, cơ quan có liên quan trong hoạt động ứng phó sự cố môi trường. Theo dự thảo, Quy định hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó đối với sự cố môi trường có thể xảy ra trong hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải và các yêu cầu kỹ thuật đối với thùng chứa, khu vực lưu giữ, phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại tại nguồn.
Theo nguyên tắc, hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố phải được tiến hành thường xuyên, trong đó hoạt động phòng ngừa được ưu tiên triển khai thực hiện. ứng phó sự cố, nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) được ưu tiên áp dụng. Đồng thời, huy động mọi phương tiện, thiết bị sẵn có để bảo đảm cô lập hoặc ngăn chặn nguồn phát thải chất thải ngay lập tức khi sự cố xảy ra.
Về nội dung, cấu trúc phương án ứng phó sự cố hệ thống xử lý nước thải, chủ cơ sở có trách nhiệm phải xây dựng phương án ứng phó sự cố hệ thống xử lý nước thải theo cấu trúc và nội dung như quy định và gửi về Sở TN&MT. Bên cạnh đó, chủ cơ sở còn thành lập đội ứng phó sự cố và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng phó sự cố; thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tại đơn vị, tối thiểu 1 lần/năm và tham gia vào hoạt động diễn tập và ứng phó sự cố hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Song song đó, Chi cục Bảo vệ môi trường có trách nhiệm chủ trì, triển khai phổ biến hướng dẫn này đến các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố trên địa bàn tỉnh; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về các phương án ứng phó sự cố, đồng thời tham mưu Sở TN&MT chỉnh sửa, bổ sung các Phương án ứng phó sự cố môi trường cho phù hợp với thực tế của tỉnh và các quy định của pháp luật; xây dựng và bố trí nguồn nhân lực tham gia ứng phó sự cố môi trường; chủ trì và phối hợp Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật - TN&MT đánh giá lan truyền ô nhiễm và tác động của sự cố đến môi trường khi sự cố xảy ra; chủ trì và phối hợp với Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật TN&MT trong đánh giá thiệt hại môi trường khi có sự cố xảy ra để làm căn cứ cho việc yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố bồi thường; phối hợp với Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật - TN&MT trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng môi trường sinh thái của tỉnh nhằm phục vụ cho việc đánh giá thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật - TN&MT có trách nhiệm trang bị các phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác đánh giá lan truyền ô nhiễm và tác động của sự cố đến môi trường; huy động tất cả các trang bị, phương tiện, thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác đánh giá lan truyền ô nhiễm và tác động của sự cố đến môi trường khi sự cố xảy ra; phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường trong việc thu thập dữ liệu, thông tin, hiện trạng môi trường nhằm đánh giá thiệt hại môi trường do sự cố gây nên; bố trí trang bị, phương tiện, thiết bị và nguồn nhân lực tham gia vào các buổi diễn tập ứng phó sự cố của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng môi trường sinh thái của tỉnh nhằm phục vụ cho việc đánh giá thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ cho công tác ứng phó sự cố; cung cấp kịp thời thông tin về khí tượng, thủy văn khu vực xảy ra sự cố môi trường…
P. V