Sẽ kiểm tra việc tiết giảm điện
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp ở một số địa phương kêu việc cúp điện gây khó khăn cho sản xuất, ông Nguyễn Thành Duy - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết sẽ kiểm tra việc tiết giảm điện ở các địa phương.
TP.HCM: thiếu 1,1 triệu kwh điện
Ông Lê Văn Phước - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết TP.HCM được EVN phân bổ 43,5 triệu kWh/ngày, trong khi sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày của TP là 44,6 triệu kWh. Như vậy TP cần tiết giảm 1,1 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, ông Phước cho rằng với mức điện dùng thắp sáng sinh hoạt, hành chính sự nghiệp chiếm 17,84 triệu kWh/ngày, nếu các hộ gia đình, các cơ quan tiết kiệm khoảng 6% sản lượng điện tiêu thụ thì TP sẽ tiết kiệm khoảng 1,07 triệu kWh/ngày. Với lượng điện tiết kiệm này, TP sẽ không thiếu sản lượng so với sản lượng được phân bổ.
Theo ông Duy, việc kiểm tra này nhằm xem các điện lực có thực hiện đúng quy định trong quá trình tiết giảm điện hay không. Theo quy định, căn cứ vào sản lượng điện do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phân bổ, các công ty điện lực phân bổ sản lượng điện từng ngày cho từng điện lực trực thuộc. Từ đó, các điện lực thông báo kế hoạch tiết giảm điện cho khách hàng trước năm ngày, đảm bảo luân phiên phù hợp với đặc điểm sản xuất, thời vụ trên địa bàn và thời gian trong ngày.
Ngày 19-4, Ban quản lý các khu công nghiệp Long An đã có báo cáo gửi UBND tỉnh nêu những phản ảnh của doanh nghiệp về tình trạng cúp điện gây khó khăn cho sản xuất.
Cùng ngày, chúng tôi đề nghị tiếp xúc trao đổi xung quanh việc các doanh nghiệp kêu cúp điện nhưng giám đốc Điện lực Long An Đoàn Tấn Năng từ chối. Ông Năng bảo: “Đây là chuyện nhạy cảm, lỡ tôi trả lời có gì đó sơ suất trái với chủ trương thì tôi chết. Nếu trả lời không thỏa mãn dư luận thì cũng không được”.
Theo một cán bộ có trách nhiệm của tỉnh Long An, phương án cúp điện tiết giảm ở tỉnh đã được Sở Công thương phê duyệt. Cụ thể, các khu công nghiệp, doanh nghiệp và người dân đều bị cúp điện trung bình hai lần/tuần (mỗi lần từ 5g-19g), trừ trường hợp cúp điện do sự cố hoặc để bảo trì, sửa chữa đường dây theo lịch. Chuyện các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Long An bị cúp điện 3-4 lần/tuần như vừa qua là rơi vào trường hợp sửa chữa đường dây.
Một chủ cơ sở xay xát ở huyện Thủ Thừa (Long An) lo lắng bên đống lúa không xay được do cúp điện (ảnh chụp chiều 18-4).
Cũng theo cán bộ này, sở dĩ Long An không thể ưu tiên cấp điện 24/24 giờ cho các khu công nghiệp như tỉnh Tiền Giang đang làm là do số lượng khu công nghiệp ở Long An quá lớn. Nếu chỉ cắt điện khu vực dân cư thì không đủ sản lượng điện tiết giảm mà EVN giao tỉnh phải cắt hằng ngày.
Quảng Nam: chủ yếu cắt điện ở khu dân cư
Trước tình trạng thiếu điện, tỉnh Quảng Nam phải lập phương án cắt điện luân phiên. Tuy nhiên, ông Thái Văn Trương - trưởng phòng điều độ Điện lực Quảng Nam cho biết, hiện nay tất cả các khu công nghiệp đều không nằm trong kế hoạch tiết giảm điện. Riêng một số doanh nghiệp nhỏ lẻ dùng chung nguồn điện với các khu vực dân cư sẽ bị cắt giảm.
Theo Điện lực Quảng Nam, kinh tế phục hồi, nhiều nhà máy hoạt động sản xuất trở lại nên nhu cầu sử dụng điện trong quý 1-2010 của cả tỉnh đã tăng lên 63,53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó lượng điện mà Tổng công ty Điện lực miền Trung phân bổ về chỉ tăng 15% (tương đương 370.000 kWh/ngày). Trước thực tế này, ngành điện buộc phải lên phương án cắt giảm điện, chủ yếu là cắt giảm tại các khu dân cư. Theo đó, các khu dân cư cứ hai ngày sẽ cắt điện một buổi luân phiên nhau. “Khó khăn nhất là làm sao cắt điện tránh chồng chéo, đảm bảo công bằng cho tất cả các hộ sử dụng điện” - ông Trương nói.
Hiện rất nhiều khu dân cư trên địa bàn Quảng Nam phải chịu cảnh mất điện kéo dài từ 6 giờ -22 giờ 30 phút.
Theo ông Nguyễn Thành - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung, hiện mỗi ngày EVN phân bổ cho miền Trung (trừ hai địa phương Khánh Hòa và Đà Nẵng) 16,2 triệu kWh, nếu cộng thêm 1,1 triệu kWh điện có được từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thì mỗi ngày khu vực miền Trung vẫn còn thiếu 1,5-2 triệu kWh. Do đó căn cứ tình hình cụ thể mà điện lực các địa phương lên phương án cắt giảm điện.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng: “Không có chủ trương cắt điện cả ngày, lịch cắt điện phải được phân bổ đồng đều. Hiện chúng tôi đang lập một đoàn đi kiểm tra tình hình cắt giảm điện tại các địa phương cũng như việc tiết kiệm điện theo chủ trương Chính phủ đã ban hành”.
Được biết trong quý 1-2010, phụ tải công nghiệp và xây dựng trên địa bàn miền Trung đã tăng trung bình lên 52%, trong khi đó nguồn điện cung ứng lại dựa chủ yếu vào các nhà máy thủy điện. Vì vậy khi khô hạn kéo dài, nước trên các sông suối khô cạn thì việc không đáp ứng đủ điện là điều khó tránh khỏi.
(THEO TUỔI TRẺ)