Sẽ đưa khoảng 130.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024
(BDO) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục mở rộng, phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại châu Âu đồng thời mở cửa một số thị trường mới.
Lao động Việt Nam làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ước cả năm 2024 sẽ đưa khoảng 130.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch (năm nay kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 125.000 lao động).
Số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng là 113.896 lao động, đạt 91,11% kế hoạch năm.
Trong số đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 56.566 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc): 43.690 lao động, Hàn Quốc: 6.276 lao động, Trung Quốc: 1.704 lao động, Singapore: 1.040 lao động, Romania: 670 lao động, Hungary: 449 lao động và các thị trường khác.
Chỉ riêng trong tháng 9/2024 đã có 12.369 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các thị trường: Nhật Bản 6.447 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 4.735 lao động, Trung Quốc: 196 lao động, Hàn Quốc: 165 lao động, Romania: 155 lao động, Singapore: 133 lao động, và các thị trường khác.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 225/NQ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ để tạo điều kiện thuận ợi cho các doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.
Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Hoạt động hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước. Hiện các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Trong khi đó, Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài. Trong tháng 9/2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.
Theo chương trình, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm. Người lao động Việt Nam tham gia Chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng) hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2024, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được tăng cường. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động./.
Theo TTXVN