Sẽ công khai kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc Họp báo.Ba ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, chiều 17-5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo quốc tế, giới thiệu về nội dung của Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội trong năm 2013.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ngoài việc tiến hành xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 35/2012 của Quốc hội.
Thông tin thêm với báo giới về vấn đề này, ông Phúc khẳng định, việc đảm bảo lấy phiếu, bỏ phiếu khách quan và công tâm không chỉ là mong muốn của các Đại biểu Quốc hội mà còn là mong muốn của cử tri cả nước. Vì vậy, cách thức tiến hành và quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tuân thủ các quy định tại Nghị quyết 35.
Các chức danh thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi giải trình về kết quả công tác, cũng như việc tuân thủ pháp luật, đạo đức, lối sống của mình tới các đại biểu quốc hội 20 ngày trước khi lấy phiếu để các đại biểu có thời gian xem xét, đánh giá. Ngoài ra, các văn bản đánh giá, giám sát chuyên đề của các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc các ngành, lĩnh vực của các chức danh được lấy phiếu cũng là một kênh thông tin để các đại biểu tham khảo, lựa chọn.
Đối với những trường hợp có kết quả lấy phiếu tín nhiệm dưới 50%, ông Phúc cho biết, vấn đề này cũng đã được quy định trong Nghị quyết 35 của Quốc hội với các hình thức bỏ phiếu hoặc từ chức. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ được công khai trước toàn dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo chuyên đề. Nội dung này cũng sẽ được Chính phủ báo cáo công khai trước Quốc hội. Song song với đó, Quốc hội cũng đã yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương giám sát kết quả thực hiện trong các ngành, lĩnh vực liên quan. Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Trong thời gian khoảng 1 tháng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 Nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 7 dự án luật khác.
Theo nội dung được công bố, Các dự án luật và Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật hòa giải cơ sở; Luật đất đai sửa đổi; Luật phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; Luật phòng, chống khủng bố; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 203 của Quốc hội.
Các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, gồm Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Tiếp công dân; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật đấu thầu (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật việc làm.
Đáng chú ý, tiếp tục thực hiện Nghị quyết về đổi mới các hoạt động của Quốc hội, Kỳ họp thứ 5 sẽ dành 9 ngày truyền hình và phát thanh trực tiếp các nội dung được đông đảo nhân dân quan tâm như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi...
Dự kiến, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII sẽ bế mạc vào ngày 22-6.
Theo TTXVN