Sẽ có nhiều hoạt động chăm lo tết cho người lao động thiết thực, ý nghĩa
(BDO) Trong năm 2023, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới. Để bảo đảm tất cả đoàn viên (ĐV), người lao động (NLĐ) đều có tết, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết, cụ thể đến các cấp công đoàn để chăm lo tết cho NLĐ.
Nhiều hoạt động chăm lo tết thiết thực, hiệu quả dành cho người lao động được các cấp công đoàn phối hợp triển khai
Ưu tiên các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn
LĐLĐ tỉnh quyết tâm tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm lo thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho ĐV, NLĐ; bảo đảm tất cả ĐV, NLĐ đều có tết, đón tết vui tươi, an toàn. Theo kế hoạch, bên cạnh tăng cường sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành của tỉnh đối với các hoạt động công đoàn, đặc biệt là các hoạt động chăm lo cho ĐV, NLĐ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, công đoàn các cấp tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ và dành nguồn lực để chăm lo cho ĐV, NLĐ vào dịp tết.
Đối tượng chăm lo tết là tất cả ĐV, NLĐ, trong đó ưu tiên ĐV, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm; thuộc gia đình chính sách, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón tết; ở lại đơn vị, doanh nghiệp để phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh vào dịp tết; là cán bộ công đoàn cơ sở tham gia tích cực hoạt động công đoàn (được xét hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay...); trẻ mồ côi là con công nhân mất do dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, chia sẻ: “Yêu cầu đặt ra cho các cấp công đoàn trong tỉnh về hoạt động chăm lo tết cho ĐV, NLĐ là tổ chức đa dạng, linh hoạt hình thức chăm lo, tập trung hướng về cơ sở; quan tâm, chăm lo ĐV, NLĐ làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là NLĐ tại các doanh nghiệp khó khăn do suy thoái kinh tế, bị cắt giảm đơn hàng, giảm thời gian làm việc, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... Các hoạt động chăm lo phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phù hợp với điều kiện từng địa phương”.
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, các hoạt động chăm lo tết như chương trình “Tết sum vầy, xuân chia sẻ” được tổ chức tập trung tại cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Tùy thực tế, các cấp công đoàn lựa chọn các khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông ĐV, NLĐ gặp khó khăn để tổ chức chương trình. Những nơi không tổ chức chương trình “Tết sum vầy, xuân chia sẻ” tập trung tổ chức các hoạt động phù hợp để ĐV, NLĐ đón tết với các hoạt động như họp mặt, tặng quà, chúc tết, văn nghệ, các trò chơi dân gian, thăm khu nhà trọ công nhân, thăm hỏi gia đình ĐV, NLĐ.
Cùng với đó, có rất nhiều hoạt động chăm lo tết cho ĐV, NLĐ cũng được duy trì thực hiện như đoàn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà, chúc tết ĐV, NLĐ, trong đó quan tâm đặc biệt đến ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, thiếu hoặc mất việc làm. Các chương trình “Chợ tết công đoàn năm 2024” của LĐLĐ tỉnh, “Chuyến tàu xuân nghĩa tình 2024”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình 2024”, chương trình “Tết không xa nhà”, tổ chức bữa cơm ngày tết cho các trẻ mồ côi là con công nhân mất do dịch bệnh Covid-19... sẽ được các địa phương tổ chức.
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Bên cạnh đề ra các hoạt động, chương trình vui xuân, đón tết hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của ĐV, NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm đơn hàng, nợ lương, không có khả năng trả lương. ..
Công đoàn các cấp cũng sẽ thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; tuyên truyền, vận động ĐV, NLĐ vui xuân, đón tết tiết kiệm, an toàn, chấp hành đúng quy định pháp luật và quay lại làm việc đúng thời gian quy định; tiếp tục đồng hành doanh nghiệp, người sử dụng lao động nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, thưởng tết, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ trong dịp tết.
Về nguồn lực chăm lo tết cho ĐV, NLĐ, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết thêm: “Bên cạnh huy động các nguồn lực xã hội, địa phương, ban ngành, công đoàn cơ sở cân đối nguồn thu, chi thường xuyên trong năm và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên của đơn vị để thực hiện hoạt động chăm lo tết cho ĐV, NLĐ. Công đoàn cấp trên cơ sở cân đối nguồn thu, chi thường xuyên trong năm, kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hoặc nguồn được cấp trên hỗ trợ để thực hiện chăm lo cho ĐV, NLĐ tại công đoàn cơ sở theo số lượng được phân bổ”.
QUANG TÁM