Sẽ có lời giải để loại bỏ túi nylon
Đã từ lâu, các chuyên gia y tế và môi trường khuyến cáo về tác hại của túi nylon. Túi nylon chôn vùi dưới đất phải mất từ 400 - 600 năm mới có thể phân hủy hết. Túi nylon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, mêtan và khí dioxin cực độc. Nếu sử dụng túi nylon đựng đồ ăn nóng, nhiệt độ từ 70 - 80 độ C, những chất độc hại trong túi nylon sẽ hòa lẫn vào thức ăn. Nếu chứa thực phẩm đã được chế biến trong những túi nylon nhuộm màu, các kim loại nặng như chì, cadimi sẽ gây hại cho bộ não, là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư.
Chính vì thế, mục đích của việc đánh thuế là nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi nylon. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam, việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon có những điều chưa hợp lý, mỗi nơi có cách hiểu khác nhau nên khi áp thuế loại nào chịu 30.000 đồng/kg, loại nào chịu 40.000 đồng/kg hay 50.000 đồng/kg cũng chưa rõ ràng.
Đó chỉ nói về áp mức thuế, còn trong thực tế, khi muốn hạn chế sử dụng bất cứ một sản phẩm nào đó, điều quan trọng nhất là các nhà quản lý phải đưa ra được một sản phẩm thay thế tối ưu hơn. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã tiến hành sản xuất túi nylon tự hủy, nhưng giá bán khá cao nên chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm giá thành, đồng thời sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với các quy định, tránh tình trạng thiếu thống nhất trong áp dụng luật nhằm góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.
Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường trong đó có phần bàn luận về việc quy định áp mức thu thuế sẽ được đưa ra bàn luận trên diễn đàn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII sắp tới đúng vào kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5-6-2012. Điều này cũng có nghĩa là sẽ có thêm một lời giải khá rõ ràng để xóa sổ loại sản phẩm bao bì nhựa không còn phù hợp với xu thế văn minh, hiện đại.
MAI HUY