Sau tiêm ngừa Covid bị chóng mặt, có sao không?
(BDO) BS Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM và PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y dược kiêm Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM - trả lời thắc mắc của bạn đọc .
Bạn đọc Phạm Thị Diệu hỏi: Con tôi 10 tuổi, khoảng tháng nay cháu bị nghẹt mũi thường xuyên không chảy mũi nước, uống thuốc thì hết mà không uống thì bị lại, vậy bé bị bệnh gì?
BS Lê Quang Mỹ trả lời: Gia đình cần cho bé thăm khám tại cơ sở y tế để đánh giá cụ thể. Biểu hiện của bé thường do viêm mũi họng hay còn gọi là cảm thông thường (nhiễm siêu vi), tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác. Giai đoạn này, cần đến bệnh viện để khám và kiểm tra xem có thể mắc Covid-19 hay không.
Hơn 80% người trưởng thành đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 (số liệu công bố của Bộ Y tế) hầu hết đều an toàn (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một bạn đọc hỏi: Tôi tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca ngày 24-9, mũi 2 là Vero Cell, ngày 26-10 (nhân viên y tế tiêm lộn). Ngày đầu sau khi tiêm mũi 2 về tôi bị mệt, nôn; ngày thứ 2 sau khi tiêm cho đến giờ tôi bị nhức đầu và nhức 2 bên thái dương, nhịp tim tăng mạnh, lúc nào cũng hơi choáng, chóng mặt. Với các biểu hiện như trên, sức khỏe tôi có bị làm sao không?
BS Lê Quang Mỹ trả lời: Hiện tại đã có hơn 80% người trưởng thành đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 (số liệu công bố của Bộ Y tế), hầu hết đều an toàn và chỉ có những phản ứng phụ nhẹ. Những triệu chứng như bạn nói có thể là biểu hiện của nhiều tình trạng sức khỏe, chưa thể kết luận là do tiêm ngừa. Bạn nên tới cơ sở y tế để được kiểm tra cụ thể.
Một bạn đọc hỏi: Tôi đang điều trị lao màng phổi, hiện đang điều trị giai đoạn duy trì thì có được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 không?
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Với trường hợp của bạn, bệnh lao đang ở giai đoạn duy trì và bệnh ổn, do đó bạn có thể tiêm vắc-xin và cần tiêm sớm để phòng ngừa Covid-19.
Theo NLĐ