Sau nghi vấn nhập thực phẩm “Quá đát” vào phục vụ bữa ăn cho học sinh - Bài 2
Bài 2: “Xé rào” để ký hợp đồng cung cấp suất ăn
Trong khi dư luận đang xôn xao trước “nghi án” Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào (Công ty Phú Nhật Hào) nhập thực phẩm ươn, hôi thối vào trường Tiểu học Long Bình, huyện Bàu Bàng thì trưa 9-4, 15 học sinh (HS) bán trú trường Tiểu học Võ Thị Sáu, tại TX.Bến Cát phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn trưa tại trường. Công ty Phú Nhật Hào là đơn vị cung cấp suất ăn cho ngôi trường này.
(BDO)
Sau sự cố ngày 9-4, một số phụ huynh trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã bỏ việc làm đến túc trực tại trường để theo dõi bữa ăn của con mình
“Xé rào”… quy định?
Theo tìm hiểu của P.V, năm học 2014-2015, trường Tiểu học Võ Thị Sáu ký hợp đồng với Công ty Phú Nhật Hào để chế biến, cung cấp suất ăn trưa cho 388 HS bán trú của trường. Điều đáng nói, trong khi ngành chức năng TX.Bến Cát chưa cấp phép cho đơn vị này tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh bán trú, nhưng lãnh đạo trường Tiểu học Võ Thị Sáu lại ký hợp đồng theo kiểu “gối đầu” đến 2 năm (năm học 2014-2015 và 2015-2016) đối với Công ty Phú Nhật Hào để chế biến thức ăn ngay tại trường. Bà Huỳnh Thị Lang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do nhu cầu học bán trú quá lớn nên nhà trường phải đáp ứng. “Tôi biết làm như thế là không đúng quy định, nhưng trước mong muốn của nhiều phụ huynh buộc chúng tôi phải sớm tìm đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh bán trú”, bà Lang nói.
Theo quy định của ngành giáo dục, nhà trường chỉ được phép ký hợp đồng đối với đơn vị cung cấp suất ăn trưa cho học sinh bán trú theo từng năm. Theo đó, cứ vào đầu năm học mới, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến trong việc chọn đơn vị cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh. Đằng này, BGH trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã ký “gối đầu” đến 2 năm với Công ty Phú Nhật Hào. Bà Huỳnh Thị Lang cho biết: “Do cơ sở vật chất của trường rất kém. Trước đây, trường không có bếp ăn phục vụ học sinh. Trước nhu cầu bán trú tại trường, Công ty Phú Nhật Hào đã nâng cấp một phòng học cũ của trường để làm bếp, đồng thời mua sắm nhiều trang thiết bị để phục vụ học sinh. Vì lẽ đó, chúng tôi phải ký 2 năm để họ có thời gian lấy lại vốn!”.
Vừa ăn vừa lo!
Tuy cơ quan chức năng đã kết luận về việc các học sinh của trường Võ Thị Sáu nhập viện cấp cứu không liên quan đến thức ăn trưa tại trường. Tuy nhiên, sau sự cố ngày 9-4, hàng trăm phụ huynh chủ động không cho con em họ tiếp tục ăn trưa tại trường. Ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục TX.Bến Cát cho biết, khi sự việc xảy ra, phụ huynh rất lo lắng. Lúc đầu, 100% phụ huynh đăng ký cúp cơm, tự nguyện đến đón con em ngày 2 buổi. Trước sự việc này, Phòng Giáo dục đã mời nhà trường, phụ huynh cùng ngồi lại để thống nhất việc có tiếp tục nấu ăn cho HS nữa hay không. “Nhiều ý kiến đã được đưa ra mổ xẻ. Sau đó, chúng tôi chọn phương án tiếp tục nấu ăn cho HS theo kiểu đăng ký bao nhiêu thì nấu bấy nhiêu. Đồng thời, mỗi ngày, Ban đại diện phụ huynh học sinh của trường phải cử người trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm khi Công ty Phú Nhật Hào nhập vào trường lúc sáng sớm. Đồng thời, khi đơn vị chế biến thức ăn cũng có người theo dõi. Cách làm này đã dần lấy lại được niềm tin cho các bậc phụ huynh”, ông Thanh cho biết.
Ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục TX.Bến Cát cho biết: “TX. Bến Cát hiện có 8 đơn vị trường học đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn trưa cho học sinh bán trú đối với Công ty Phú Nhật Hào. Theo quy định của ngành giáo dục hiện nay, nhà trường chỉ được phép ký hợp đồng đối với đơn vị cung cấp thức ăn cho học sinh bán trú theo từng năm. Việc trường Tiểu học Võ Thị Sáu ký theo kiểu “gối đầu” đến 2 năm và chưa được ngành chức năng của thị xã cấp phép đối với bếp ăn học đường là sai với quy định”. |
Sau sự cố này, nhiều phụ huynh lo ngại trước việc cho con em ăn tại trường như trước. Chị T.T.L. tâm sự: “Chúng tôi không còn tin vào đạo đức kinh doanh của Công ty Phú Nhật Hào. Nếu phía nhà trường chọn đơn vị khác để cung cấp suất ăn cho học sinh, tôi sẵn sàng để con ăn trưa tại trường. Bởi, dù muốn hay không, việc Công ty Phú Nhật Hào từng đưa thực phẩm ôi, thối vào trường Tiểu học Long Bình vẫn còn đó, khiến chúng tôi không thể yên tâm”. Anh Nguyễn Văn Tấn Vinh, Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, sau khi xảy ra sự cố ngày 9- 4, hầu hết phụ huynh của trường muốn chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Phú Nhật Hào. Thế nhưng nhà trường đã lỡ ký hợp đồng 2 năm liên tiếp nên phải cắn răng chấp nhận…!
Anh Nguyễn Tấn Lực, Hội phó Hội Phụ huynh học sinh của trường cho biết: “Sau sự cố ngày 9-4, chúng tôi cũng đã siết chặt việc kiểm tra đầu vào của thực phẩm và cắt cử người theo dõi, giám sát quy trình chế biến thức ăn nhưng vẫn thấy lo cho bữa ăn trưa của học sinh bán trú do Công ty Phú Nhật Hào cung cấp. Thực tế thì phần lớn phụ huynh ở đây muốn cắt hợp đồng đối với Công ty Phú Nhật Hào để chấm dứt cảnh học sinh ăn cơm, phụ huynh lo lắng như thế này. Từ ngày có chúng tôi “canh cửa”, nhiều học sinh cho biết được ăn ngon hơn trước rất nhiều”.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Trần M.H., phụ huynh có con đang ăn cơm do Công ty Phú Nhật Hào cung cấp cho biết: “Chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi là năm học sẽ kết thúc nên tôi phải cố gắng cho con mình ở lại bán trú và phải sống trong cảnh lo lắng, ám ảnh qua từng sự kiện có liên quan đến Phú Nhật Hào. Trong đầu năm học tới, phụ huynh chúng tôi sẽ kiên quyết đấu tranh với nhà trường để chấm dứt việc ký hợp đồng đối với Công ty Phú Nhật Hào”.
Trong khi phần lớn phụ huynh của trường Tiểu học Võ Thị Sáu muốn cắt hợp đồng cung cấp suất ăn trưa cho học sinh bán trú đối với Công ty Phú Nhật Hào thì lãnh đạo nhà trường cho biết đã lỡ ký hợp đồng 2 năm với công ty này. Những mong muốn của phụ huynh đang chờ lời giải thích thuyết phục từ phía chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng.
Ký hợp đồng vì giá rẻ
Theo tìm hiểu của P.V, trường Tiểu học Bình Chuẩn (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) đã ký hợp đồng 5 năm (có giá trị từ ngày 1-8-2012 đến 1-8-2017) về việc cung cấp thực phẩm và suất ăn với Công ty TNHH Phú Nhật Hào. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, công ty sẽ cung cấp 2.000 suất ăn trưa và 2.000 suất ăn nhẹ cho học sinh. Công ty có trách nhiệm cung cấp thực phẩm, còn trường sẽ đảm nhận khâu chế biến. Ngoài ra, công ty còn đầu tư dụng cụ, trang thiết bị và xây dựng thêm nhà ăn cho trường với tổng chi phí hơn 772 triệu đồng. Sau khi hợp đồng kết thúc, công ty sẽ bàn giao lại trang thiết bị và nhà ăn cho trường.
Bà Châu Thị Bon, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chuẩn, đại diện BGH ký hợp đồng với Công ty Phú Nhật Hào cho biết: “Tại thời điểm ký hợp đồng với công ty, nhà trường chưa có bếp ăn bán trú. Trong khi đó, do đòi hỏi cấp bách về việc cung cấp bữa cơm cho một số lượng lớn học sinh bán trú nên nhà trường đã lựa chọn Công ty Phú Nhật Hào làm nhà cung cấp thực phẩm và đầu tư bếp ăn bán trú cho nhà trường. Trước khi ký, trường cũng đã tham khảo nhiều nguồn thông tin và được biết công ty này cũng cung cấp thực phẩm và suất ăn cho nhiều trường”. Cũng theo cô Bon: “So với các công ty khác, tại thời điểm ký hợp đồng, Công ty Phú Nhật Hào đưa ra giá rẻ hơn và chịu bỏ vốn đầu tư bếp ăn của trường nên trường mới đồng ý ký.”
Ngoài ra, trường Tiểu học Hưng Lộc (phường Hưng Định, TX.Thuận An) cũng ký hợp đồng cung cấp suất ăn trong thời gian 2 năm (từ ngày 1-9-2014 đến ngày 1-9-2016) với Công ty Phú Nhật Hào. Theo thỏa thuận, công ty sẽ cung cấp thực phẩm và chế biến 1.200 suất ăn mỗi ngày cho học sinh. Ông Võ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Giáo dục TX.Thuận An cho biết: “Việc BGH 2 trường Bình Chuẩn và Hưng Lộc ký hợp đồng với Công ty Phú Nhật Hào với thời gian như trên là trái với chỉ đạo của Phòng Giáo dục. Theo quy định của phòng thì nhà trường chỉ được ký hợp đồng cung cấp thực phẩm và suất ăn với đơn vị cung cấp theo tháng, quý hoặc 1 năm”.
N.HẬU
Bài 3: Mô hình bếp ăn học đường
THANH QUANG - QUẢNG ĐIỀN