Sâu nặng nghĩa tình…
(BDO) Ngày 22-12 hàng năm, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, lực lượng vũ trang tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Tri ân
Một trong những hoạt động nổi bật là Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức thăm, tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT), nguyên lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh qua các thời kỳ.
Chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn cán bộ LLVT tỉnh đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư ở xã An Sơn, TP.Thuận An. Mẹ Tư đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Mẹ sinh ra ở “Chiến khu An Sơn” nên dòng máu cách mạng luôn chảy trong tim. Chồng mẹ công tác ở Ban Kinh tài của xã. Mẹ vì có con nhỏ, không thể trực tiếp làm cách mạng nhưng bằng sự khéo léo, nhanh nhẹn, đã tham gia hoạt động bí mật, thu mua lương thực, thực phẩm và nuôi giấu bộ đội.
Chiến tranh tàn khốc. Ngày 17-2-1968, mẹ Tư đã mất chồng. Sau Mậu Thân 1968, địch đề ra tôn chỉ “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”, mẹ Tư có đến 3 lần bị địch bắt vì bị lính chiêu hồi chỉ điểm. Như bao nhiêu tù chính trị khác, mẹ Tư bị tra hỏi, đánh đập, tra tấn dã man nhưng do không khai thác được gì nên mẹ được thả ra. Mẹ Tư kể: “Khỏi phải nói, trong 3 lần giam cầm, dù mỗi lần chỉ tầm 2 tuần, nhưng chúng tra tấn rất dã man, đủ kiểu đòn roi, nhục hình. Nhưng với ý chí của người cộng sản, tui giữ vẹn lời thề…”.
Đoàn công tác đến thăm, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư
Cha ngã xuống, con cầm súng đứng lên. Tiếp nối truyền thống của gia đình, mẹ Tư lại động viên con trai - anh Trần Văn Thảnh (sau khi chồng hy sinh, mẹ bị địch truy đuổi nên đã đổi họ cho các con) lên đường nhập ngũ… Rồi con mẹ Tư đã hy sinh chiến trường Campuchia khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có vợ con.
Đến thăm mẹ Trần Thị Tư, Đại tá Phạm Văn Kiên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh đã chúc mẹ luôn mạnh khỏe, sống lâu, sống vui và sống có ích bên con cháu và gia đình, là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, yêu đồng bào để con cháu noi theo.
Tuyên dương cựu chiến binh tiêu biểu
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội CCB tỉnh tổ chức chương trình giao lưu, tuyên dương CCB gương mẫu, sĩ quan trẻ tiêu biểu và học sinh, sinh viên là con cán bộ trong lực LLVT tỉnh, con CCB đạt thành tích cao trong học tập với chủ đề “Tiếp nối truyền thống, cống hiến tài năng, xây dựng hoài bão lớn”.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn xã hội quan tâm. Những hoạt động đó không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm mà còn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh… |
Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết thông qua tổ chức giao lưu, tuyên dương còn nhằm giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và truyền thống cách mạng của quê hương Bình Dương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; những thành tựu đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ chung tay xây dựng Bình Dương ngày càng giàu mạnh.
Để người đang sống… ấm lòng
Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệTổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đã có hơn 1 triệu cuộc chia tay không có ngày đoàn tụ. Các anh đã về với đất mẹ, về với núi sông, về với tổ tiên khi chỉ mười tám, đôi mươi không có người thân bên cạnh, thậm chí không còn hình hài nguyên vẹn do sự ác liệt của chiến tranh… Chính vì lẽ đó, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là công việc hết sức nhân văn, nhân ái và thểhiện lòng biết ơn, ân nghĩa, ân tình sâu đậm với các thế hệđi trước, với những người đã ra đi. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của cả hệthống chính trị, của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương.
Ở tỉnh Bình Dương, hơn 10 năm qua, Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát trên 90 địa điểm; tổ chức hội thảo 40 lần đểxác định thông tin về vị trí mộ liệt sĩ; đồng thời đã tiến hành tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tại 85 địa điểm khác nhau với diện tích đã làm 180.000m2. Kết quả, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã tìm kiếm, quy tập, cất bốc được 361 hài cốt liệt sĩ, đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trang trọng, đúng quy định.
Đại táNguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 515 tỉnh, cho biết: “Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện đểgóp phần xoa dịu nỗi đau cho thân nhân các liệt sĩ… Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, thểhiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Ngày nào hài cốt của các liệt sĩ chưa được tìm thấy thì vẫn còn trăn trở, day dứt, lòng chưa yên… Vì vậy, càng khó càng phải làm, thời gian không chờ đợi!”.
TIỂU LIÊN - TIẾN DƯƠNG