Sau hơn 3 năm gia nhập WTO: Lối ra cho hàng nông sản vẫn bấp bênh
Tháng 11-2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau hơn 3 năm gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này, những cơ hội và thách thức đối với hàng nông sản Việt Nam đã lộ diện, trong đó thách thức là vấn đề rõ nhất. Ở Bình Dương tuy nông nghiệp không còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng đây vẫn là một trong những địa phương có nhiều trang trại nhất. Nguyên liệu đầu vào, sức ép từ hàng nông sản nhập khẩu, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, giá cả và hàng rào kỹ thuật lẫn phi kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên đang là những “chướng ngại vật” khiến các trang trại ở Bình Dương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản.
Sản phẩm của nông dân làm ra từ hòa tới lỗ, vậy chỗ đứng nào cho hàng nông sản Việt Nam và làm thế nào để kích thích nông nghiệp phát triển? Sản phẩm làm ra từ hòa tới lỗ
Những năm qua, kinh tế trang trại là mô hình kinh tế nông nghiệp phát huy mạnh mẽ những ưu thế của tỉnh và đạt được hiệu quả cao trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị nông sản, giải quyết tốt lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, trong xu thế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, hàng hóa làm ra đang phải gánh nhiều sức ép. Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại Đoàn Minh Chiến (Tân Uyên) cho rằng, hiện nay giá đầu vào trong sản xuất nông nghiệp quá cao. “Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên tục tăng giá, có tháng tăng hai, ba lần”, ông Chiến còn bức xúc khi vấn đề thiếu điện đang là một trở ngại cho hoạt động sản xuất nói chung và chăn nuôi nói riêng.
Ông Tống Văn Hướng, chủ một trang trại nuôi gà ở xã Minh Hòa (Dầu Tiếng), cho biết việc cúp điện 2 lần/tuần như hiện nay khiến trang trại của ông phải chi khá nhiều tiền để mua dầu chạy máy phát điện. “Nếu có điện mỗi ngày tôi chỉ mất 2 - 3 triệu đồng, trong khi chạy máy phát điện phải mất từ 7 - 8 triệu đồng tiền dầu”. Chi phí đầu vào tăng đã góp phần làm đội giá thành sản phẩm lên, trong khi đó tình hình giá nông sản trên thị trường đang bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu. Ông Hướng dẫn chứng, hiện giá gà lông ở Việt Nam đang trên dưới 23.000 đồng/kg trong khi đó gà thịt nhập khẩu vào bán trên thị trường có giá chỉ 18.000 đồng/kg. “Vậy người tiêu dùng sẽ chọn loại thịt gà nào, đương nhiên là không ai chấp nhận mua giá cao rồi”, ông Hướng kết luận. Giá hàng nông sản nhập khẩu thấp hơn giá hàng sản xuất trong nước đang khiến việc tiêu thụ nông sản của nông dân tiếp tục gặp khó khăn.
Ông Đoàn Minh Chiến cho rằng, trước những sức ép như trên thì nông dân làm ra sản phẩm chỉ có hòa vốn tới lỗ, nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp từ Nhà nước.
Những trăn trở của nông dân
Các chủ trang trại đều nhận thức rất rõ vấn đề bảo hộ trong nông nghiệp khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại và các chuyên gia cho rằng trên thực tế Nhà nước có thể bảo hộ cho nông dân bằng nhiều cách mà không vi phạm các cam kết. Ông Đoàn Minh Chiến cho rằng, vấn đề hạ tầng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, nhưng hiện nay việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện... đều chưa được đầu tư đồng bộ, nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà nhân dân ở đây là doanh nghiệp. Đó là một trở ngại đối với những trang trại hay doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Nguyên liệu đầu vào và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của nông dân. Ông Nguyễn Hữu Nghiệm, Chủ nhiệm HTX nuôi heo ở Tân Uyên đặt vấn đề, tại sao giá heo hơi Thái Lan rẻ hơn Việt Nam? Và ông tự trả lời đó là do đầu vào ở Thái Lan được bảo đảm với mức giá thấp hơn. Việt Nam từ trước tới nay vẫn là nước nông nghiệp, nhưng hiện nay chúng ta chưa có một trang trại hay vùng chuyên canh để sản xuất nguyên liệu đầu vào. Điều này khiến hoạt động chăn nuôi ở Bình Dương cũng như cả nước nói chung nhiều lúc rất bị động do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Còn bà Nguyễn Thị Minh Tấn, chủ trang trại nấm Tấn Hưng (xã Long Hòa, Dầu Tiếng), cho biết việc sản xuất nấm của gia đình bà hơn 10 năm nay vẫn ổn định trước khi có sự xuất hiện nấm của Trung Quốc. Bà Tấn cho rằng, chỉ có đổi mới công nghệ làm nấm mới có thể cạnh tranh được với nấm nhập khẩu. “Chúng tôi rất mong nhận được giúp đỡ từ cơ quan chuyên môn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, bà Tấn nói.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, đến cuối tháng 4-2010 trên địa bàn tỉnh có gần 1.800 trang trại. Các trang trại quy mô lớn tập trung chủ yếu ở 4 huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát và Tân Uyên. Trong đó, trang trại trồng trọt chiếm đa số với trên 1.300 trang trại. Để tạo điều kiện cho các trang trại ngày càng phát triển, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chuồng trại, hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh, ứng dụng các tiến bộ KHKT...
Nhiều chủ trang trại cũng đang băn khoăn về sự liên kết 3 nhà, 4 nhà như hiện nay. Trong khi chủ trương liên kết đã có từ lâu nhưng trên thực tế sự liên kết này chưa phát huy tác dụng. Song song đó nhiều nông dân kiến nghị Nhà nước cần có sự điều tiết về hàng hóa nhập khẩu cũng như có hàng rào kỹ thuật trong việc nhập khẩu nông sản để hàng Việt Nam có thể trụ vững trên thị trường. Tiến sĩ Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng chúng ta cũng có thể xây dựng những hàng rào tương tự như điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm chẳng hạn. “Thực phẩm nhập khẩu thiếu kiểm soát chặt chẽ như hiện nay đã dẫn đến những tác hại khó lường về sức khỏe đối với người dân”, ông Diệu nói.Trong khi đó ông Hoàng Tích Phúc, nguyên Phó Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại, Vụ trưởng Vụ Đa biên cho rằng, những kiến nghị của nông dân Bình Dương hoàn toàn có cơ sở và đều không vi phạm các cam kết, nguyên tắc của WTO. Vấn đề là cơ chế để các địa phương thực hiện những hỗ trợ này như thế nào để vừa giúp nông dân ổn định sản xuất, vừa không vi phạm các thỏa thuận thương mại trong các quy định của WTO.
TR.DŨNG