Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại: Cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm hoạt động Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn tỉnh, nhìn chung bước đầu mô hình này đã góp phần giảm tải công việc của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời cung cấp thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng. Tuy nhiên, hoạt động này còn khá mới mẻ nên gặp không ít khó khăn, nhiều người dân chưa thực sự hiểu TPL là gì!
(BDO)
Một nhân viên TPL đang tác nghiệp, ghi nhận sự việc theo yêu cầu của khách hàng
Khó khăn trước mắt
TPL được hiểu như là một hoạt động thực hiện việc tống đạt (giao nhận các thông báo, văn bản, giấy tờ) theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng ở đây được hiểu là văn bản ghi nhận một sự kiện pháp lý xảy ra trên thực tế, làm chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên khi xảy ra tranh chấp. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự (kiểm tra về tình hình tài chính, tài sản của người phải thi hành án, làm cơ sở để yêu cầu thi hành nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của tòa án). Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Dù được quy định rõ như vậy nhưng hoạt động TPL gặp rất nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là hệ thống thể chế, quy định về TPL chưa đầy đủ, do đây là giai đoạn thí điểm.
Thời gian qua, Bình Dương đã quan tâm, tập trung tuyên truyền, phổ biến về chế định TPL nhưng vẫn còn một bộ phận người dân và cả cán bộ công chức, nhất là cán bộ chính quyền cấp cơ sở và ở những địa phương chưa thành lập văn phòng TPL chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm TPL cũng như chức năng, nhiệm vụ của mô hình này. Bà Võ Ngọc Huệ, Trưởng văn phòng TPL tại TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Văn phòng đi vào hoạt động từ ngày 25-3-2014. Sau khi đi vào hoạt động, văn phòng đã xác minh được 27 việc, lập vi bằng 326 việc, tống đạt 504 văn bản… Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hiểu TPL là gì, họ cho rằng đây là cơ quan đi đòi nợ mướn của tư nhân; đi xác minh thì người dân không hiểu và yêu cầu thi hành án thì không được sự đồng tình của dân, không giảm tải được thi hành án…”. Bà Trần Thị Ngọc Quang, Trưởng văn phòng TPL tại TX.Thuận An bày tỏ: “Khi đi xác minh vụ việc, phía văn phòng nhiều lần bị hẹn tới hẹn lui vì nhiều người bảo không biết những người của văn phòng TPL là ai, họ đòi hỏi giấy tờ, thủ tục rất rườm rà… Ranh giới giữa vi bằng và công chứng hơi giống nhau, từ ngữ chưa chuẩn nên rất khó giải thích cho dân hiểu và làm việc”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trước những tồn tại trong việc thực hiện thí điểm chế định TPL ở Bình Dương như hiện nay, ông Bùi Duy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai một số hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến về chế định TPL sâu rộng trong nhân dân; củng cố về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các văn phòng TPL; quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ để hoạt động TPL ngày càng nề nếp, đúng khuôn khổ pháp luật và phục vụ có hiệu quả nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và nhân dân...
Cũng theo ông Bùi Duy Hiền, mặc dù còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng các văn phòng TPL đã nỗ lực hết mình để hoạt động và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tính đến tháng 3-2015, các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh đã lập vi bằng được 743 vụ việc, tống đạt được 7.716 văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án 62 vụ việc, tổ chức thi hành bản án, quyết định được 13/14 vụ việc. Tổng chi phí thu được của các văn phòng là trên 1,9 tỷ đồng.
Tại buổi kiểm tra hoạt động TPL trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới đây, ông Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đánh giá cao công tác mà các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Khôi, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết về công tác TPL nên việc tuyên truyền phải được quan tâm. Trong thời gian tới, cần tổ chức đợt cao điểm về tuyên truyền TPL, thông tin đến người dân nhiều hơn. Song song đó cần phải tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả, tránh khiếu nại, tố cáo về sau… góp phần tác động tích cực đối với cơ quan, tổ chức và người dân.
THỦY TRINH