Sau gần 10 năm hội nhập kinh tế quốc tế: Bình Dương phát triển bền vững hơn
(BDO) Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, song tỉnh Bình Dương đã vận dụng sáng tạo các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) của Trung ương vào tình hình thực tế của địa phương, khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong và ngoài nước, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, hội nhập kinh tế quốc tế một cách bền vững.
Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cao
Giai đoạn (2007-2015), các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Bình Dương đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, từ năm 2007 đến năm 2012, tổng sản phẩm GDP của tỉnh tăng trưởng bình quân là 13,55%/năm, gấp đôi tỷ lệ của cả nước (6,07%/năm), và tăng gấp đôi so năm 2006 (theo giá so sánh). Với cơ cấu phát triển kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (65,5% - 30% - 4,5%), hiện nay Bình Dương đã có 28 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích 8.958,4 ha và 1 khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, với tổng diện tích 4.196 ha, thu hút 11.589 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư là 88.589 tỷ đồng và 2.041 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư là 14 tỷ 364 triệu USD.
Sản xuất sợi tại Công ty Thiên
Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), xúc tiến thương mại (XTTM), đến nay, toàn tỉnh có 1.725 DN, XK vào 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, so với giai đoạn (2001-2005) đã mở rộng thêm 93 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Các ngành hàng XK chủ lực của Bình Dương là gỗ, giày da, dệt may, cao su và thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ trọng cao trong tổng số KNXK của tỉnh.
Với tiềm năng và môi trường đầu tư thuận lợi, chủ trương chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, linh hoạt và hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cũng như chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế mấy năm gần đây Bình Dương luôn đứng thứ hạng cao so với các tỉnh thành phố trong cả nước. Đặc biệt, năm 2014, Bình Dương có chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế đứng thứ Ba toàn quốc, chỉ sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Giải pháp đa phương đa dạng, trên cơ sở phát triển bền vững
Bên cạnh những thành tựu, nền kinh tế tỉnh nhà vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tuy giá trị sản xuất CN vẫn tăng trưởng, song tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng. Song nhìn sâu vào cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế, sự chuyển dịch còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh... Để tiếp tục phát huy những thành quả sau gần 10 năm hội nhập, cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác này, ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Các ngành cần phối kết hợp tốt hơn trong hội nhập KTTG, thu hút đầu tư, kết hợp thu hút, đào tạo nhân tài. Tăng cường đầu tư các ngành nghề mũi nhọn. Mở rộng hợp tác đa phương, đa dạng, trên cơ sở độc lập tự chủ, hòa bình. Ngăn ngừa những mặt có hại trong quá trình hội nhập KTQT (như thu hút đầu tư công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường), bảo đảm phát triển bền vững”.
Ban Hội nhập KTQT cũng đã nhấn mạnh định hướng công tác hội nhập KTQT đến năm 2016 vì sự phát triển bền vững: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp thị đầu tư đối với những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, nhằm cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập KTQT. Tạo điều kiện phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo nguồn nguyên liệu cơ bản trong nước, để nâng cao giá trị gia tăng trong SXKD, phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ và đô thị”.
Với những thành tựu sau gần 10 năm hội nhập KTQT, vận dụng những ưu thế của đặc điểm tự nhiên và xã hội riêng có, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã và đang nổ lực thực hiện các giải pháp hội nhập KTQT vì sự phát triển bền vững, tích cực xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc trung ương và là một trong những đô thị hiện đại nhất Việt Nam vào năm 2020.
ÔNG VÕ VĂN CƯ, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG: “Hỗ trợ DN khẳng định vị thế trên trường quốc tế” Với vai trò thường trực của Ban Hội nhập KTQT tỉnh, Sở Công thương luôn phối kết hợp với các Sở, ngành để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các chương trình tuyên truyền về các nội dung cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, tọa đàm đồng hành cùng DN, tổ chức hội thi “Tìm hiểu về hội nhập KTQT” cho các tầng lớp nhân dân, để làm rõ thêm cơ hội và thách thức khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Sở cũng đã hỗ trợ DN tận dụng cơ hội để thực hiện các chiến lược đẩy mạnh SXKD, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, sở đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức về các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các đoàn thể trong tỉnh, từ đó tìm giải pháp để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm. Sở cũng đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị phổ biến các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do, các vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế quốc tế như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng kinh tế Asean (AEC)... cho các cơ quan quản lý nhà nước và DN trong tỉnh. Qua đó, cán bộ ngành chức năng và các DN trong tỉnh nắm rõ các lợi thế, điều kiện, để xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động SXKD phù hợp và hiệu quả. Qua các hoạt động trên, đã giúp cho cán bộ và DN trong tỉnh hiểu rõ hơn tầm quan trọng của hội nhập KTQT, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh Bình Dương, cũng như của DN trên trường quốc tế. |
BẢO ANH