Sau cổ phần hóa: Doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả
(BDO) Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm ủy ban vừa có chương trình giám sát chuyên đề về hiệu quả hoạt động, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2016 tại tỉnh Bình Dương. Bước đầu, đoàn giám sát ghi nhận nhiều kết quả tốt về hoạt động, quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa tại tỉnh.
Hiện đại hóa sản xuất nhưng không giảm lao động
Ngoài nội dung làm việc đã được thông báo trước bằng văn bản, giám sát thực tế tại Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Thalexim), cổ phần hóa năm 2018 và Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), cổ phần hóa năm 2017, Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trực tiếp đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc thực thi pháp luật, hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là việc Nhà nước có nên tăng hoặc thoái vốn chủ sở hữu sau cổ phần hóa?
Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội giám sát hoạt động tại Biwase sau cổ phần hóa. Ảnh: DUY CHÍ
Là doanh nghiệp đã cổ phần hóa vào giữa năm 2017, cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh; tuy mới tham gia thị trường nhưng uy tín, giá trị của cổ phiếu BWE của Biwase đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase cho biết, từ chủ trương cổ phần hóa, công ty đã có điều kiện đầu tư hiện đại hóa sản xuất nhằm giảm số lượng lao động trực tiếp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động của từng bộ phận. Trước khi chuyển sang cổ phần, số lượng lao động của công ty khoảng 1.200 người, hiện nay đã vượt lên khoảng 1.500 người; thu nhập cũng tốt hơn trước nhờ công ty đã có bước chuẩn bị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho số lao động trực tiếp chuyển sang làm công tác tiếp xúc, dịch vụ khách hàng. Ông Thiền khẳng định, lĩnh vực này thì không có máy móc, công nghệ nào thay thế được con người. Nếu doanh nghiệp làm tốt công tác dịch vụ, phục vụ và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng sẽ góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Góp ý vào việc xây dựng chính sách pháp luật, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, lãnh đạo Biwase cho biết, nhờ uy tín thương hiệu và hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt nên sau cổ phần hóa, công ty đã thoái vốn chủ sở hữu với mức thặng dư trên 200 tỷ đồng. Hiện nay, quy định cổ phiếu ưu đãi nhằm giữ chân người lao dộng, người tài trong doanh nghiệp quy định tỷ lệ quá thấp so với cổ đông của nhà đầu tư, chứ chưa kể đến cổ đông chiến lược. Vì vậy, Nhà nước cần nới rộng biên độ này lên mới mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực. Cái khó của doanh nghiệp sau cổ phần hóa là không còn được ưu đãi từ Nhà nước, nhưng trách nhiệm thì nặng nề hơn và đóng góp cho xã hội thì không thay đổi so với trước.
Ghi nhận kết quả trên, ông Quang nói, kết quả mà Biwase đạt được là rất đáng trân trọng. Những thông tin kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được báo cáo trình các cơ quan chức năng theo quy định.
Phát huy sức mạnh tập thể
Tại lễ ra mắt Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 2.366 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 49%, ông Đoàn Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết, trước đây tổng công ty hoạt động theo mô hình đơn sở hữu. Nay chuyển sang mô hình công ty cổ phần với đa sở hữu thì mọi hoạt động đều phải được tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng, vừa bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi của cổ đông. Thắng lợi ban đầu sau cổ phần hóa của công ty là cổ phiếu của doanh nghiệp đã được các nhà đầu tư đón nhận với tâm thế rất phấn khởi, lạc quan.
Nói về hiệu quả hoạt động sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Dương, Bí thư Đảng ủy - Trưởng phòng Kế toán Công ty Cổ phần Lâm sản, xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương (Genimex) cho biết, so với trước khi cổ phần hóa các lĩnh vực đầu tư, thị trường của công ty đều được khai thác hiệu quả hơn, thế mạnh của công ty được phát huy tốt hơn. Cụ thể là một số lĩnh vực kém hiệu quả được công ty phân loại, nghiên cứu, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh mới hoặc tái cơ cấu hợp lý. Những lĩnh vực kinh doanh hiệu quả được công ty tập trung đẩy mạnh như mảng đầu tư công nghiệp, bất động sản, khu dân cư; kết quả là đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công ty.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương chia sẻ, sau khi cổ phẩn hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được nâng lên theo hàng năm. Kết quả này là nhờ loại hình công ty cổ phần với vai trò của hội đồng quản trị đã giúp phát huy sức mạnh tập thể. Từ đó cán bộ, công nhân viên của công ty từng bước chuyên nghiệp hơn, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng và phát huy tốt nhằm tối ưu hóa hiệu quả làm việc và kinh doanh.
DUY CHÍ