Sau bài phóng sự “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương”: Các doanh nghiệp tiếp tục gửi thư cảm ơn Báo Bình Dương
(BDO) Sau loạt bài điều tra “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương”, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas tiếp tục gửi thư cảm ơn đến Báo Bình Dương vì đã vào cuộc phản ánh hành vi sang chiết gas trái phép, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư; bên cạnh đó là nạn chiếm dụng vỏ chai gas gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín của DN, nhất là khi xảy ra các sự cố liên quan đến vỏ chai bị chiếm dụng. Các DN, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh kiến nghị cần xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, sang chiết gas trái phép.
DN khuyến cáo người dân nên lựa chọn sử dụng những sản phẩm gas chính hãng để đảm bảo an toàn
DN chịu nhiều thiệt hại
Sau thư cảm ơn của ông Toshihiko Nakano, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro), mới đây ông Hosokom Yu, Giám đốc Công ty TNHH MTV khí đốt Gia Đình cũng chủ động gửi thư về tòa soạn Báo Bình Dương.
Trong thư, ông Hosokom Yu chia sẻ, đơn vị của ông hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng gas, là một trong những nhãn hiệu, thương hiệu uy tín được người tiêu dùng cả nước tin tưởng sử dụng trong suốt nhiều năm qua. Loạt bài điều tra “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương” đã phản ánh một cách rõ ràng hoạt động sang, chiết nạp gas trái phép. Qua phóng sự, DN phát hiện các đối tượng đã thực hiện việc mua bán, chiết nạp gas vào các chai gas mang nhãn hiệu, trong đó chiếm dụng chai gas mang nhãn hiệu Gia đình gas.
Gas là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi đây là sản phẩm khí đốt thiết yếu và đòi hỏi tính an toàn rất cao. Để đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực chiết nạp gas, các trạm chiết nạp phải tuân thủ rất nhiều điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy do các cơ quan nhà nước có thấm quyền phê duyệt. Thế nhưng, vì lợi nhuận, các đối tượng này đã bất chấp mọi rủi ro, bỏ qua cả những quy định của pháp luật…gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự khu vực và tiềm ẩn những hiểm họa cháy nổ gây thiệt hại về người, tài sản cho chính người tiêu dùng và cả khu dân cư bên cạnh khu vực chiết nạp.
Cũng theo ông Hosokom Yu, việc kinh doanh, mua bán trái phép nêu trên còn gián tiếp khiến nhà nước bị thất thu thuế. Các DN kinh doanh gas chân chính như công ty Gia đình thời gian qua bị giảm sản lượng kinh doanh, các vỏ chai gas bị chiểm hữu, mua, bán, trao đổi, lưu trữ, thu gom trái phép trên thị trường khiến DN chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế...
Hàng trăm bình gas giả bị thu giữ tại bãi sang chiết gas trái phép trên địa bàn TP.Thuận An
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, sang chiết gas trái phép là hành vi trái pháp luật, trái đạo đức, kế đến là không bảo đảm an toàn tính mạng trong quá trình sang chiết, kể cả quá trình tiêu dùng sản phẩm. Hành vi sang chiết, kinh doanh gas trái phép làm ảnh hưởng đến các DN có chức năng được nhà nước quyết định.
Để bảo đảm việc thực hiện các quy định pháp luật, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sang chiết gas trái phép như: tịch thu các phương tiện, công cụ sang chiết gas trái phép và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm cố ý nhiều lần, có thể chuyển cơ quan pháp luật để truy cứu trách nhiệm. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng mong muốn người tiêu dùng trên địa tỉnh phát hiện các hành vi kinh doanh, sang chiết gas trái phép cần mạnh dạn báo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
“Tôi cũng mong các cơ quan chức năng sớm kiểm tra và xử lý dứt điểm các sai phạm này, tránh tình trạng xử phạt chỗ này thì lại di dời sang khu vực khác để tiếp tục các hành vi sai phạm, cũng như cần làm rõ trong vụ việc này còn có các hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng cháy, chữa cháy, môi trường, thuế…hay không?. Chúc Báo Bình Dương cùng các anh, chị phóng viên sẽ có thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng hơn nữa”. (Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh) |
Cần siết chặt, tăng cường công tác quản lý
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, cho biết, để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường, Cục QLTT tỉnh yêu cầu các Đội QLTT tập trung thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Cục QLTT tỉnh về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu và khí.
Các đội QLTT địa bàn tăng cường nghiệp vụ, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, sang chiết đối với các cá nhân, tổ chức để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí.
“Đội trưởng các đội QLTT chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cục và trước pháp luật khi để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo về điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh…”, bà Lê Thị Ngọc Thanh nói.
Các lá thư cám ơn do DN chủ động gửi về Báo Bình Dương theo đường bưu điện
Chia sẻ cảm nhận khi đọc loạt bài phóng sự “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết: “Dưới góc độ một người đại biểu, tôi rất hoan nghênh Báo Bình Dương đã có loạt bài điều tra về tình trạng về tình trạng sang chiết gas trái phép. Đây là mặt hàng thiết thực đối với mỗi gia đình, do đó cần đảm bảo tuân thủ quy trình về vận chuyển, bảo quản, mua bán, sử dụng”.
Cũng theo bà Mai, cử tri trong tỉnh cũng nhiều lần phản ánh về các hoạt động kinh doanh của các cơ sở nằm xen lẫn trong các khu dân cư tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về phòng cháy, chữa cháy, không chỉ là hoạt động sang chiết gas mà còn là các điểm tập kết phế liệu. Vì vậy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh hoàn toàn thống nhất với các chỉ đạo quyết liệt của UBND các cấp và ngành công an khi tiến hành rà soát, thống kê các điểm kinh doanh bãi xe container, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong phát hiện các hành vi vi phạm trên địa bàn các khu dân cư.
“Về góc độ quản lý địa bàn, tôi đề nghị các Chi bộ Đảng quan tâm chỉ đạo chính quyền, khu phố, cùng với cơ quan Công an thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện các trường hợp làm ăn phi pháp, trong đó có kinh doanh, sang chiết gas trái phép để người dân, người tiêu dùng hưởng được đầy đủ các quyền lợi của mình”. (Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh) |
Trong khi đó, theo Luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, theo Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5-2-2020 thì hoạt động kinh doanh khí, trong đó hoạt động nạp, cấp khí là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều kiện đối với trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG vào xe bồn, trạm nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải gồm: Trạm nạp phải thuộc thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, trạm nạp phải được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng, đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật và phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai, Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn, Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải.
Căn cứ Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định Số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1-2022 thì hành vi nạp LPG vào chai mà không có giấy chứng nhận sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, nạp khí vào phương tiện vận tải, LPG vào xe bồn mà không có giấy chứng nhận sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 140 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“Nếu so với khoản lợi nhuận thu được từ hành vi sang chiết ga trái phép mà bài báo đã phân tích thì mức phạt tiền như trên còn thấp, chưa đủ sức răn đe, cần thiết có mức phạt cao hơn để vừa có tính răn de, vừa có tính phòng ngừa.
Theo đó, trường hợp người thực hiện hành vi sang chiết gas trái phép mà sử dụng nhãn hiệu vỏ bình gas của các hãng gas khác trên thị trường để sang chiết, kinh doanh khí gas khi chưa được sự đồng ý của các hãng này thì hành vi đó có thể cấu thành tội "Sản xuất, mua bán hàng giả" theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷđồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm”, Luật sư Trương Nhật Quang nói.
Mới đây, Báo Bình Dương tiếp tục nhận được thư cảm ơn của ông Lê Khắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Khí hóa lỏng Việt Nam – VT Gas (Công ty VT Gas). Trong thư cảm ơn, ông Lê Khắc Ninh cho biết: “Công ty VT gas đã theo dõi phóng sự điều tra “Vạch trần đường dây sang chiết gas trái phép tại Bình Dương”. Chúng tôi hiểu rằng việc đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Qua phóng sự, chúng tôi rất khâm phục sự kiên trì điều tra và làm rõ vụ việc về đường dây sang chiết LPG trái phép tại Bình Dương của quý Báo. Hiện nay, vấn đề chiết nạp trái phép LPG đang là vấn đề mà công ty chúng tôi rất quan tâm. Sau khi theo dõi các hình ảnh được đăng tải tại các bài viết, chúng tôi xác nhận rằng các chai LPG mang nhãn hiệu công ty chúng tôi cũng bị thu gom và chiếm dụng để thực hiện hành vi chiết nạp trái phép khí LPG. Đây là hành động coi thường sự an toàn của người tiêu dùng và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của ngành năng lượng tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng không chỉ riêng công ty chúng tôi mà nhiều công ty kinh doanh khí LPG khác cũng đang có sự lo lắng tương tự.” |
Nhóm P.V